Những thú chơi 'đốt tiền' ngày Tết của đại gia Việt
(Đại gia) - Trong thế giới của những người giàu có dường như đang có một cuộc đua ngầm về sự chịu chơi, nhất là trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Có hàng vạn lý do để họ bỏ cả núi tiền sắm hàng độc về chơi tết. Người thì cho rằng, phải sắm được món đồ độc đáo và hợp với phong thủy thì mới mong làm ăn phát đạt. Có người săn cho kỳ được món đồ cũng chỉ vì cái thú chơi. Nhưng cũng chẳng ít kẻ bỏ tiền mua đồ chơi tết để oai với đời, để mát mặt với thiên hạ.
Tiền không quan trọng, miễn là ưng ý
Chúng tôi có dịp được vào một bản khá xa xôi thuộc huyện Yên Sơn (tỉnh Sơn La) trong những ngày giáp Tết. Vốn nổi tiếng bởi núi non hiểm trở, lại có nhiều gốc đào rừng cổ thụ vì thế những ngày này rất nhiều người buôn đào qua lại.
Theo như anh Giàng A Thào kể thì những người đã lặn lội vào tận đây chủ yếu là săn những gốc đào khủng. Cách đây ít ngày, bản của anh Thào xôn xao bởi một vị đại gia tên Ngô Tuấn Anh (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) cất công lên tận đây tìm đào rừng khủng.
Từ đầu tháng 2/2015 anh Tuấn Anh đã bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để thuê người dân địa phương kiếm cho bằng được một gốc đào ưng ý. Sau khi kiếm được gốc đào, anh Tuấn Anh còn phải bỏ khoảng 70 triệu đồng để mua lại của chủ. Không những vậy vị đại gia chịu chơi này phải thuê người trông nom, chăm sóc cho đến khi mang về xuôi. Khi đã trở thành chủ nhân, việc đánh cây chuyển ra đường lớn lại là một thách thức nữa.
Anh Thào kể: “Hôm ấy trời mưa bay bay khá lạnh, chủ nhân cây đào khủng đó nhất định phải đánh được mang về nhà để lấy ngày. Anh ta thuê khoảng 20 thanh niên khỏe mạnh vào rừng đánh và vận chuyển cây. Nếu tính sơ sơ cây đào đó chuyển được về đến Hà Nội cũng phải bỏ ra ngót nghét 200 triệu đồng. Đúng là bỏ ra cả một gia tài lớn”.
Cây đào khủng được nhiều đại gia săn lùng. |
Không chỉ đào rừng được những người có tiền săn đón, mà đào Nhật Tân truyền thống cũng được quan tâm. Chúng tôi đến vườn đào của ông Tư Khương (Nhật Tân, Hà Nội) người nổi tiếng với những gốc đào khủng. Mỗi năm ông Khương chỉ trồng vài chục gốc đào “ruột”, mỗi gốc có giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí có gốc lên tới cả tỷ đồng.
Ông Khương kể: “Giờ phải đánh vào nhu cầu của các đại gia, họ có tiền nên việc mua cây không tiếc”. Chỉ về phía gốc đào được mệnh danh là “cây đào hóa rồng” ông Khương cười: “Đó là gốc được đánh giá là khủng nhất nhì ở đây. Cây này có một đại gia bất động sản đã mua của tôi 2 năm trước với giá 1 tỷ đồng. Ông ấy chỉ chơi có vài ngày Tết thôi, xong lại mang vào đây để tôi chăm sóc. Do giá trị của cây đào quá lớn nên việc chăm sóc cũng vô cùng kỳ công. Sau khi cây được mang về cho khách chơi vào những ngày Tết, người trồng phải cử một người hằng ngày đến thăm và tưới cho cây."
“Thằng cháu tôi mỗi ngày phải tạt qua chủ nhân của cây đào một lần. Mang theo nước tưới riêng (đã được pha chế), thấy hiện tượng khác của cây phải báo ngay cho tôi để còn biết cách chăm sóc” – ông Khương nói.
Bên cạnh các loại cây cổ thụ như mai, đào… thì gỗ lũa lại được coi là một thú chơi ưa thích của các đại gia trong những ngày Tết. Nhiều người đang lùng các gốc gỗ lũa đẹp tự nhiên không qua đục đẽo. Loại gỗ được các đại gia săn nhiều nhất là gỗ ngọc am.
Trước kia thú chơi lũa ngọc am chỉ mang tính chất tự phát, khi những gốc lũa ngọc am tình cờ được người ta đi rừng phát hiện, về cọ rửa thấy hình thù kỳ quái, có mùi thơm đặc trưng xua đuổi được ruồi, muỗi…
Chính vì truyền thuyết về gỗ ngọc am có tác dụng chữa bệnh, tắm bằng bồn gỗ ngọc am có thể giải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp thanh thần sảng khoái. Đặc biệt có thể đuổi được tà ma, rước thịnh vượng về nhà. Chính vì lẽ đó, sự quý hiếm của ngọc am đã đưa những tác phẩm gỗ lũa ngọc am lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Thắng (Hoài Đức, Hà Nội) người có tới 20 năm săn lùng gỗ lũa trên khắp cả nước chia sẻ: “Năm nay rất nhiều người có tiền, có của lùng mua lũa ngọc am. Với họ giá cả không bao giờ là quan trọng, miễn tìm được đồ ưng ý. Cây ngọc am hiện tuyệt diệt từ rất lâu rồi, những gốc chỉ là kiểu như cây hóa thạch nằm dưới lòng đất mà thôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét