Hàng vạn điểm bán lẻ có cơ hội tăng doanh thu nhờ mPOS
Nhờ đầu tư mạnh mẽ của các ngân hàng cho thiết bị thanh toán thẻ di động (mPOS) mà nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể, kinh doanh online có thể tăng hơn 30% doanh thu và giữ chân được khách hàng.
Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) vừa diễn ra, mPOS (Mobile Point of Sale) - thiết bị thanh toán thẻ gắn được vào điện thoại, máy tính bảng - được nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng như tổ chức thẻ quốc tế nhắc đến như một giải pháp hữu hiệu cải thiện thói quen tiền mặt.
Các chủ nhà hàng, cửa hàng online... có thể trang bị mPos để chấp nhận thanh toán thẻ cho khách hàng mọi lúc mọi nơi.
|
Trong bài tham luận của mình, ông Sean Preston - Giám đốc Visa khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào nhìn nhận, một trong những thách thức lớn nhất ở Việt Nam chính là việc giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ chấp nhận thanh toán trực tuyến. Theo ông, tại một đất nước có tới 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam, mPOS chính là thiết bị phù hợp và có tiềm năng nhất trong lĩnh vực này.
Thay vì sử dụng công nghệ truyền thống để nhận được tiền thanh toán từ thẻ, mPOS dùng một bộ đọc thẻ có thể gắn được vào những chiếc điện thoại thông minh. Một khi được cài đặt, thiết bị mPOS sẽ giúp điểm bán tiếp nhận thanh toán trực tuyến một cách an toàn và hiệu quả, kết nối với mạng lưới được kết nối qua sóng 3G của điện thoại hoặc Wi-Fi.
Tham dự diễn đàn, đại diện Master Card cũng dẫn lại một báo cáo gần đây về thương mại điện tử của tổ chức này cho thấy, thanh toán qua mobile là xu hướng nổi trội. Cụ thể, nửa đầu năm 2015, 50% giao dịch thương mại điện tử tại Trung Quốc và 27% giao dịch mua bán online ở Đông Nam Á được thực hiện qua kênh mobile. Hiện Master Card cũng là một trong những đối tác chính góp phần thực hiện triển khai mPOS tại Việt Nam.
Ông Arn Vogels, Giám đốc quốc gia và trưởng đại diện khu vực Đông Dương của Master Card cho rằng, xu hướng thế giới hoá đang xâm nhập mạnh vào thế giới thực tế qua mọi mặt đời sống. "Ai cũng có một vài thẻ ngân hàng để sử dụng trong việc thanh toán online, xem phim, đi ăn uống… Thực tế, thanh toán trực truyến đã tiết kiệm thời gian, tiết kiệm cho người dân", ông nói.
Không chỉ vậy, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ - cũng xem mPOS là cơ hội rất lớn cho hàng nghìn, hàng vạn nhà bán lẻ, đặc biệt cho nhà bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ tại kênh bán lẻ truyền thống và thị trường nông thôn. Theo bà, những nỗ lực triển khai thí điểm mPOS dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần được nhân rộng và phổ cập.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2014, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, tiền mặt (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm 64%. Do đó, với ưu điểm về tính tiện lợi, mPOS được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam, đặc biệt trong mảng thương mại điện tử.
Trên thực tế, các ngân hàng nội địa đã rất nỗ lực trong việc triển khai mPOS. Nếu như trước đây khi mới triển khai, một số nhà băng chỉ cho phép doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh thì nay đã hỗ trợ cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và cá nhân. Không chỉ vậy, các nhà băng cũng liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi để khuyến khích như cho phép dùng thử mPOS, miễn phí thanh toán thẻ vài tháng đầu...
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là đơn vị đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép triển khai dịch vụ này, tiếp theo đó là VietinBank Đại diện VietinBank cho biết, nhờ triển khai mPOS thành công tại các điểm kinh doanh như taxi, thanh toán tiền điện, nước, internet, bảo hiểm, đồ ăn nhanh, nhà hàng, khách sạn, đại lý du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị… mà hiện nay ngân hàng có khoảng 1.500 điểm chấp nhận thẻ mPOS.
Đến nay, ngoài hai đơn vị này, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng tỏ ra mạnh tay đầu tư khi đi đầu về số lượng mPOS. Triển khai mPOS từ tháng 11/2014, đến nay TPBank đã có hàng nghìn đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng mPOS. Chia sẻ tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2015, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank - cho rằng mPOS là định hướng mà nhiều ngân hàng sẽ triển khai đại trà sắp tới vì mô hình này có rất nhiều ưu điểm.
"Trước đây khi giao dịch thanh toán POS, các đại lý thanh toán đều phải trang bị các POS truyền thống khá đắt tiền, phải có nguồn điện, đường điện thoại kết nối riêng... nên khá phức tạp để triển khai. Tuy nhiên, mPOS nhỏ gọn lại có thể sử dụng được với tất cả các điện thoại smartphone có cổng audio, tương thích và tuân theo các chuẩn cao nhất về bảo mật như EMV, PCIDSS. Giải pháp có thể thanh toán được cả thẻ chip lẫn thẻ từ với giá thành rất tiết kiệm", ông Hưng nói.
Không chỉ tiết kiệm mà mPOS còn tiện lợi và phù hợp với nhiều đối tượng, từ doanh nghiệp lớn đến nhỏ, siêu nhỏ, người đi thu tiền, người bán hàng... đều có thể sử dụng. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, nhờ mPOS, doanh số bán hàng của các cửa hàng có thể tăng tới 30%. "Không chỉ vậy, khi bạn hỗ trợ quẹt thẻ cho khách hàng ở ngay tại nhà của họ hoặc bất cứ nơi đâu, tỷ lệ khách hàng quay lại có thể lên tới 70%", vị này cho biết.
Không chỉ dừng lại ở phát triển số lượng mPOS, các ngân hàng cho biết sẽ không ngừng nâng cấp các ứng dụng với thiết bị thanh toán này. Như Sacombank, ứng dụng mPOS của nhà băng cho phép chủ thẻ sau khi quẹt trên mPos có thể ký xác nhận hóa đơn bằng cách chạm hoặc viết trên màn hình của thiết bị di động có kết nối bluetooth với thiết bị chấp nhận thẻ, đồng thời nhập địa chỉ email để nhận hóa đơn. Hoặc như TPBank và Sacombank, các ngân hàng này cũng hỗ trợ các merchant trong khâu quản lý bán hàng, quản lý dòng tiền, năng suất bán hàng nhờ các ứng dụng mPOS của mình.
Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét