Khác với cuốn tự truyện "Bên kia bức tường", "Rong chơi" là hình ảnh và những câu chuyện về Trần Lập từ một góc nhìn khác.
Rong chơi ra đời, không phải để trở thành một cuốn tiểu sử hàng trăm trang kể về cuộc đời của Trần Lập. Nó chỉ là một cuốn sách nhỏ ghi lại chuyến đi rong của Yo Le, và cũng là của mỗi chúng ta trong thế giới của Trần Lập - một thế giới ngập tràn những thú chơi: chơi với âm nhạc, chơi với mô tô, chơi với những cung đường và cả với những biến cố chẳng thể nào ngờ tới!
Bạn nghĩ sao khi biết rằng Trần Lập đã từng là một cậu chàng lang bang, bị đuổi học và có dính dáng đến chuyện lô đề?
Bạn nghĩ sao khi biết rằng một Trần Lập mê say những cung đường dọc ngang Tổ quốc của ngày hôm nay lại từng có thời kỳ chỉ ưa hưởng thụ những thứ xa hoa nơi bầu trời Âu châu và chẳng hề động lòng với cảnh sắc của quê hương đất nước?
“Khi chấp bút viết lại những câu chuyện ấy, hay nói cách khác, ghi lại cuộc rong chơi này, tôi đã tâm niệm rằng mục đích của Rong chơi sẽ không là gì khác ngoài đem tới cho bạn đọc một hình dung thật trung thực về một Trần Lập bằng xương bằng thịt, chứ không phải một Trần Lập hiện lên sau ánh đèn sân khấu hay trên vô tuyến truyền hình. Và bây giờ, khi cuốn sách đã hoàn thành, tôi biết rằng cuốn sách nhỏ này thậm chí sẽ còn đạt được những giá trị cao hơn thế nữa. Bởi những câu chuyện về cuộc sống của Trần Lập và bản thân con người anh vốn chẳng cần tôi phải tô vẽ thêm bất cứ điều gì đã là những câu chuyện rất đẹp rồi. Chạm đến cái đẹp trong từng câu chuyện ấy, tôi mạo muội nghĩ rằng bạn đọc sẽ tự tìm thấy cho mình những giá trị đơn sơ nào đó có thể giúp bạn làm đẹp thêm cho cuộc sống của riêng mình.” – Yo Le.
Từ tuổi ấu thơ cho tới khi bước sang tuổi tứ tuần; từ khi còn là cậu bé bị giam đằng sau cánh cửa cho tới ngày chạm đỉnh vinh quang; từ những ngày nằm trên giường bệnh cho đến đêm bùng cháy cùng "Đôi bàn tay thắp lửa"… Những chuyến Rong chơi đầy đam mê của Trần Lập hiện lên qua từng con chữ chân thực hơn bao giờ hết. Qua cuốn sách này, người ta hiểu thêm về một Trần Lập cháy hết mình với rock, về một Trần Lập quá “ngầu” với mô-tô, về một Trần Lập sâu sắc hơn qua mỗi cung đường, và một Trần Lập đầy lạc quan và quá đỗi kiên cường!
Một số trích dẫn hay trong cuốn “Rong chơi”
“Mỗi lần người lớn trong gia đình ấy đi hết, cậu em út chưa đầy sáu tuổi không có ai trông sẽ bị nhốt lại trong nhà. Cánh cửa gỗ đầy mối mọt bị đóng chặt lại. Ngôi nhà nhỏ bỗng biến thành một không gian loang lổ sáng tối, nơi ánh sáng thì ít mà bóng tối thì nhiều; một không gian vắng hẳn tiếng nói cười, chỉ thi thoảng vẳng lại những thanh âm kì dị phát ra từ căn gác xép cũ.
Trong không gian ấy, trí tưởng tượng bỗng vun cao thành nỗi sợ ma quỷ vô hình. Cậu nhóc cô độc chẳng biết làm gì hơn ngoài việc nép mình thật sát bên khe cửa hẹp hấp háy sáng, đưa ánh mắt lấp lánh niềm khao khát về phía thế giới bên ngoài và hát hò ầm ĩ theo những ca khúc đang phát ra từ chiếc đài Liên Xô treo gần cửa.
Đôi khi ngay cả đài cũng im tiếng, cậu sẽ tiếp tục gào lên những bài hát mình đã thuộc lòng từ lâu. Tiếng hát cứ vậy vang lên, vọng ra ngoài cánh cửa như báo cho bất cứ ai vô tình đi ngang qua biết rằng: “Này! Nghe thấy không! Ở đây có một thằng bé mê hát hò lắm đấy!” Và tiếng hát ấy, chẳng rõ từ bao giờ bắt đầu xua tan từng cơn sợ hãi, rồi nhen nhóm trong cậu một ước mơ tưởng như viển vông nhưng ngờ đâu sẽ theo cậu suốt đời: ước mơ trở thành ca sĩ.”
“Một người đàn ông mạnh đến đâu được đo bằng chính những sự khó khăn anh ta đã trải qua trong cuộc sống.” - Trần Lập
“Càng đắm đuối mình trong một góc nhỏ của Sài Gòn, Trần Lập càng nhận ra cái góc đường bình dị đó xem chừng còn hấp dẫn anh hơn nhiều so với những thành phố xa hoa lộng lẫy anh từng đi qua. Trong khi đó, Sài Gòn không phải chỉ có duy nhất một ô cửa kính này. Đất nước cũng không phải chỉ có một góc đường nhỏ bé ấy. Hành trình chiêm nghiệm không nên chỉ dừng lại trong cái khuôn cuộc sống đã cũ màu. Chừng nào vốn sống được bồi đắp mỗi ngày một rộng giàu, sức sáng tạo mới không bị cùn mòn và âm nhạc nói riêng hay sự nghiệp nói chung mới bước lên những bậc thang mới. Vì vậy, cớ sao phải chần chừ thêm nữa?
Những chiếc mô tô đã sẵn sàng nổ máy.
Những cung đường luôn sẵn lòng đón đợi.
Anh lên đường!”
“Vào một ngày tháng 7/2015, sau những câu chuyện dài về tuổi thơ và âm nhạc, Trần Lập đã chia sẻ một cách đầy suy tư:
- Ở thời điểm này, dường như những gì gắn bó với âm nhạc đã cho anh thành con người trưởng thành đúng với mơ ước của mình hồi bé.
- Hồi nhỏ anh đã mơ ước gì? – Tôi buột miệng dù cảm thấy câu hỏi của mình có phần hơi ngớ ngẩn. Đáp lại, anh thong thả trả lời:
- Hồi nhỏ, vì bị nhốt trong nhà nên anh phải hát lên. Từ ca hát, anh mới ước mơ thành nghệ sĩ. Ban đầu anh nghĩ giấc mơ của mình là như vậy, nhưng thực ra anh ước mơ vượt qua cánh cửa nhà. Cho đến lúc này, anh không phải chỉ vượt qua cánh cửa hẹp nào đó nữa, vì qua cánh cửa này ta lại bước tới cánh cửa khác, có thể vô hình, có thể chưa nhìn thấy vì nó lớn quá. Nhưng anh được đi, chơi, gặp gỡ, trải nghiệm, đúng như những gì mình ham muốn. Bây giờ, khi mình thấy có âm nhạc là công cụ và nguồn sống đã mất nhiều chục năm tích lũy, tạo ra những mối quan hệ, mở ra không chỉ một mà là rất nhiều cánh cửa, mình có bước qua hay không? Và bước qua rồi lại tiếp tục đứng trước những cánh cửa khác nữa.
Nói đến đây, anh hơi ngừng lại một chút trước khi tiếp lời:
- Dĩ nhiên, ai cũng sẽ vượt qua cánh cửa cuối cùng, nhưng chuyện đó còn rất lâu.”
“Có lẽ chưa khi nào như lúc này, Trần Lập lại ý thức sâu sắc hơn về lằn giới hạn của cuộc đời: có thể anh chỉ còn sống được 1 năm, 2 năm, 3 năm, 10 năm hoặc thậm chí chỉ trong nay mai. Tương lai là điều chẳng thể nào biết được. Còn quá khứ dù vinh quang tươi đẹp hay thất bại chán chường thì cũng đều đã trôi qua. Điều duy nhất có thể nắm giữ được là hiện tại. Và hơn bao giờ hết, anh cảm nhận rất sâu rằng: trong thì hiện tại hôm nay, mình vẫn là một người “giàu có” về tinh thần.”
|
T.Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét