Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn – ASEAN Nguyễn Ngọc Luận: Không đổi mới sẽ bị “bóp nghẹt” tại sân nhà

(NB&CL) – Phải nói rằng năm 2015 đang mang lại luồng gió mới cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam khi hàng loạt các hiệp định thương mại sẽ chính thức có hiệu lực và cánh cửa thị trường chắc chắn sẽ được rộng mở. Bởi vậy, đây là năm hết sức quan trọng mang tính quyết định, đột phá. Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Luận Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn- Asean khi trao đổi với Nhà báo & Công luận.
anssean
Ông Nguyễn Ngọc Luận- TGĐ Công ty CP SX ĐT TM Hoàng Linh hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
+ Với nhận định như vậy, dường như ông đang chuẩn bị rất nhiều cho năm “vận hội” 2015?
– Cá nhân tôi phải đóng hai vai vừa là chủ một doanh nghiệp, vừa là Chủ tịch một câu lạc bộ tập hợp rất nhiều DN nên khi đón nhận luồn gió mới chúng tôi đã có bước chuẩn bị khá cơ bản cho việc mở cửa. Với thương hiệu Vietstarwindows (Công ty CP SX ĐT TM Hoàng Linh) cá nhân DN đã có sự cải tiến mạnh mẽ về công nghệ, từ đó chất lượng được nâng lên. Tôi nhận thức rằng, đối thủ cạnh tranh của công ty giờ không phải là những công ty trong nước mà là chính chúng ta. Ta phải tự lột xác để hòa nhập, thích nghi và phát triển. Cụ thể hóa vấn đề này được thể hiện qua sự liên kết hợp tác với một số DN trong khu vực và thế giới tiến đến đa dạng sản phẩm và sử dụng một thương hiệu chung đó là VIETSTAR.
Riêng CLB doanh nhân Sài Gòn- ASEAN (SABC), đa phần thành viên trong CLB SABC là những DN vừa và nhỏ, do vậy chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ về kiến thức hội nhập cho các thành viên, hỗ trợ các thành viên nâng cao về kỹ năng quản lý cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho DN mình khi bước vào sân chơi chung của khu vực.
+ Có quá áp lực khi sân chơi lớn đã mở, và việc đòi hỏi chuyển mình để thích nghi là cần thiết?
– Nếu nói không có áp lực là không phải, phải nói là có quá nhiều áp lực khi chúng ta gia nhập sân chơi lớn vì 80% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Trong 80% DN vừa và nhỏ này thì đa phần các DN chưa nắm nhiều và hiểu rõ về cộng đồng kinh tế ASEAN do vậy họ thiếu bước chuẩn bị cho DN mình khi bước vào sân chơi chung.
Việc các DN phải chuyển mình và thích nghi là đòi hỏi vô cùng cần thiết, sẽ giúp cho nội tại của DN chúng ta tốt hơn, phát triển bền vững hơn khi sự cạnh tranh về mọi mặt của DN đã tham gia vào AEC. Ngoài ra, sự thay đổi này sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới,  cũng như thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra phải nói là rất lớn, nhất là sức cạnh tranh của nhiều DN Việt Nam còn thấp nên nguy cơ bị mất thị trường nội địa rất dễ xảy ra.
+ Vậy CLB Doanh nhân Sài Gòn- Asean sẽ nói lên điều gì trong bối cảnh của nền kinh tế mở?
– CLB SABC do tôi sáng lập ra ban đầu nhằm quy tụ nhiều DN vừa và nhỏ có tầm như Hồng Cường Mâm Lốp, Sâm Ngọc Linh, Duy Nguyễn, Chính Yến, Nova… với nhiều ngành nghề khác nhau liên kết thành một khối hỗ trợ trong phát triển mạng lưới sản xuất,  kinh doanh, marketting… một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Chúng tôi có khẩu hiệu đơn giản như thế này: “Niềm tin tạo nên giá trị”. Chúng ta phải xây dựng được niềm tin trong chính các DN của chúng ta về uy tín, chất lượng, dịch vụ sản phẩm.
Mục tiêu quan trọng hơn là liên kết và kết nạp các DN nước ngoài trong Khu vực và trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam cùng sinh hoạt chung vào CLB SABC, qua đó giúp các DN Việt Nam nâng cao kỹ năng quản lý, ngoại ngữ, cơ hội hợp tác thương mại. Ngược lại chúng tôi giúp các DN nước ngoài hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam nhất là văn hóa DN của nhau.
Cũng từ sức mạnh của CLB, chúng tôi cũng đã làm được khá nhiều việc mang tính kết nối đầu tư như phối hợp với tỉnh Đăklăk, Lâm Đồng… để các DN có cơ hội tìm hiểu đầu tư vào một số lĩnh vực của địa phương. Phối hợp với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương để tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo nhằm giúp các DN hiểu và nắm rõ về các hiệp định, hiệp thương… Quan trọng là thông qua CLB, chúng tôi hiểu rằng sức mạnh đoàn kết trong giai đoạn mở cửa là hết sức cần thiết.
+ Nếu có thể dùng hai từ “ đón đầu” để lột tả, chắc chắn ông sẽ có những bước đi chiến lược?
– Điều này là chắc chắn. Cụ thể đó là việc chủ động thay da đổi thịt và hợp tác quốc tế. Như trong năm 2014, ngoài việc hỗ trợ kết nối giao thương cho các tỉnh thành địa phương, chúng tôi đã tiếp xúc và làm việc với một số Hiệp hội DN nước ngoài thông qua Phòng thương mại VN, Đại sứ quán, Lãnh sứ quán của các nước tại Việt Nam. Phải nói là khi làm việc với họ tôi đã thấy được nhiều cơ hội mở ra cho các DN Việt Nam và ngược lại. Điều này dường như các DN chúng ta chưa thật sự để ý và quan tâm. Cụ thể như khi làm việc với Hiệp hội DN Italy của thành phố Ginova, tôi nhận ra rằng họ đang rất muốn tìm một thị trường đầu tư mới trong khu vực, và Việt Nam là một trong 3 nước đang lựa chọn. Do vậy chúng tôi những doanh nhân Việt Nam phải làm thế nào đó để cho họ thấy được môi trường đầu tư tại VN là tốt nhất (ngoài những chính sách chung của Nhà nước). Đã có nhiều cuộc tiếp xúc, giao lưu và cuối cùng một số DN Italy đã quyết định đầu tư vào VN, điển hình là Tập đoàn Nội thất cao cấp của Italy Chimento đã mở văn phòng đại diện tại VN mà Trưởng đại diện sẽ là tôi.
Đặc biệt, qua chuyến công tác Châu Âu chúng tôi đã cùng Hiệp hội DN Italy của TP. Ginova ký thỏa thuận hợp tác giao thương đó là những DN Việt Nam muốn đầu tư, xuất khẩu qua Italy sẽ được hiệp hội bên Italy hỗ trợ, giúp đỡ và ngược lại.
Ngoài ra, khi công tác tìm hiểu thị trường tại Myanma tôi đã kết hợp được các doanh nghiệp tại Myanma và mở được một văn phòng của doanh nhân Việt Nam trên nước sở tại với tên gọi “Ngôi nhà Doanh Nhân Việt” nhằm kết nối, hỗ trợ DN Việt Nam muốn sang Myanma đầu tư. Nhân tiện nếu các DN muốn đầu tư mở rộng thị trường sang Myanma, vui lòng liên hệ với tôi để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các DN Việt Nam tại Myanma.
+ Xin cảm ơn ông.
Năm 2015 được đánh giá là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, và cũng là năm đánh dấu sự hội nhập sâu rộng chưa từng thấy của nền kinh tế Việt Nam với thế giới như: Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò động lực quan trọng cho việc hội nhập.Trước một sân chơi lớn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có đối sách gì để thích nghi với thời cuộc. Những cuộc đối thoại với Doanh nhân từ góc nhìn, nhận định và những bước đi chiến lược của doanh nghiệp sẽ phần nào lột tả được bức tranh đa sắc trong năm vận hội 2015.
Chính Kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét