NBCL) Mấy ngày nay, dư luận xôn xao vì một chuyện khó tin mà có thật: Hà Nội, TP. HCM qua thanh tra không phát hiện vụ tham nhũng nào! Ngay cả ngành xây dựng – “tổ sư” của tệ nạn rút ruột công trình, “ăn” sắt thép, xi-măng, vật tư, đất đai – cũng không có tham nhũng. Tham nhũng khó phát hiện vậy sao? Trong khi đó, tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng nhưng phát hiện và trừng trị được tham nhũng thì rất ít.
Tham nhũng không chỉ là “quốc nạn” mà còn là “quan nạn” bởi chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được; còn người dân, cán bộ công chức bình thường khó có thể tham nhũng. Một tổng kết cho thấy gần 80% vụ tham nhũng do quần chúng phát hiện chứ không phải từ các cơ quan chức năng phanh phui. Có phải vì tham nhũng có sẵn “hộ khẩu thường trú” trong các cơ quan ấy rồi?
Tham nhũng diễn biến phức tạp, liều lĩnh, tinh vi và… không thể phát hiện. Chỉ vài từ như thế là có thể tóm gọn nội dung nhận định của những người có trách nhiệm và có thẩm quyền về mặt trận chống tham nhũng ở TP.HCM và Hà Nội – hai TP lớn nhất nước. Thoạt nghe người ta có thể rất bất bình, bức xúc. Rốt cuộc, hầu như ai cũng biết, cũng thấy tham nhũng. Nhiều người, cả dân thường và công chức, viên chức, đã và đang là nạn nhân của tham nhũng. Không ít trong số đó đã có đơn cáo giác với cơ quan chức năng. Nhưng rồi chẳng mấy vụ tham nhũng bị phanh phui và xử lý. Vậy không thể nói bộ máy chống tham nhũng đã làm tròn nhiệm vụ mà Nhà nước, xã hội, người dân giao phó. Thực ra, sự việc không đơn giản. Biết, chứng kiến, “trải nghiệm” tham nhũng trong tư thế người bị sách nhiễu trong cuộc sống hằng ngày để từ đó ghi nhận sự hiện diện, hoành hành của tệ nạn này là một việc. Nhưng phát hiện và xử lý tham nhũng về phương diện pháp lý lại là việc hoàn toàn khác.
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa VIII, ĐB Trần Văn Thiện đã bày tỏ quan điểm của mình về công cuộc chống tham nhũng của các cơ quan chức năng. Theo ông Thiện, không riêng cử tri TP.HCM mà người dân cả nước ai cũng quan tâm đến tham nhũng. Thế nhưng, hiện nay tệ nạn tham nhũng ngày càng phát triển tinh vi và trầm trọng, đó là quốc nạn cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố nói chung và đất nước nói riêng. Ông dẫn lời của Chủ tịch Trương Tấn Sang rằng: “Tham nhũng ở nước ta đang rất nghiêm trọng. Đi đâu ai cũng kêu, ai cũng nói”. Thế nhưng, “trong báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, khi nói về vấn đề chống tham nhũng rất ngắn và cho biết năm 2015 TP đã tiến hành thanh tra tại 341 đơn vị, kết quả chỉ phát hiện có 30 đơn vi có sai phạm với 85 tỷ đồng. Đây là một kết quả quá khiêm tốn. Nếu đúng tham nhũng chỉ có vậy thì đúng là phấn khởi, ông Thiện bình luận. Vị đại biểu này đã đặt câu hỏi: Tham nhũng không có hay đang trốn ở đâu mà không thấy? Phải chăng vì vậy mà tôi vẫn nghe người dân nói câu: chống tham nhũng, chống ai, ai chống”.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50 về PCTN.Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu: “Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.
Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, Bộ Chính trị yêu cầu, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Một khi ở cấp cao, việc chống tham nhũng được thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ với những vụ án lớn được xử lý chính xác và triệt để, có tính điển hình, tính răn đe thì ở cấp thấp, người có trách nhiệm sẽ chịu áp lực. Chính áp lực đó trở thành lực cản đối với những toan tính, dự định trục lợi cho bản thân bằng cách dựa vào quyền thế. Mặt khác, nó cũng trở thành động lực thôi thúc con người dấn thân mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng với niềm tin về sự yểm trợ, cổ vũ của cả hệ thống cũng như của toàn xã hội.❏
Khánh An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét