Bà Vi Kim Ngọc đã xây dựng và gìn giữ được một nền tảng gia đình vững vàng, nuôi dạy con cái trưởng thành qua những năm tháng nhiều biến chuyển lớn lao của xã hội.
Là con gái của quan Tổng đốc Vi Văn Định, bà Vi Kim Ngọc, một tiểu thư xinh đẹp đã trở thành phu nhân của chàng trai Nguyễn Văn Huyên khi vừa mới có bằng tiến sĩ ở Pháp về, sau đó trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục suốt 29 năm.
Cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Huy, con trai út của GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, giúp chúng ta hình dung về một người phụ nữ đã xây dựng và gìn giữ được một nền tảng gia đình vững vàng, đóng vai trò quan trọng cho những thành công của người chồng, nuôi dạy con cái trưởng thành qua những năm tháng nhiều biến chuyển lớn lao của xã hội.
Bà Vi Kim Ngọc |
Cùng với cuộc hôn nhân với GS Nguyễn Văn Huyên, người con gái toàn bích “cầm kỳ thi họa” đã trở thành người phụ nữ mau chóng thích nghi với cuộc sống hoàn toàn mới lạ trong những năm tháng kháng chiến sống ở chiến khu, tới việc trở thành người phụ nữ tự lực không dựa bóng người chồng bộ trưởng.
Giữ con bằng những bức thư
“Có một thời giai đoạn khá dài gia đình không phải là nơi mà “xã hội tiên tiến” dựa vào” - ông Nguyễn Văn Huy nhớ lại. “Nhưng mẹ tôi đã thành công trong việc giữ được các con trong vòng tay của mình, để các con không bị các chiều hướng ngoài xã hội kéo đi mất”.
Bà “giữ” con bằng những lá thư tâm sự khi con đi học xa, bằng những trao đổi trong bữa cơm gia đình khi ai cũng bận rộn.
Mỗi bức thư của bà không chỉ là những dòng thăm hỏi, mà thư từ chính là giáo dục. Những người con của bà cho đến nay vẫn không để mất một bức thư nào của mẹ.
Ông Huy nhận xét “Tôi thấy bây giờ các thế hệ cách xa nhau quá, đóng kín, mọi người không dám nói ra nỗi lòng của mình. Còn mẹ tôi khi đó kiên trì, nhẫn nại viết thư cho con, thông qua thư để mẹ con hiểu nhau.
Trong thư, mẹ giãi bày tâm sự của mẹ, tự cởi lòng với con về xã hội, về cuộc đời, về tình yêu. Khi các con thấy mẹ mở lòng thì cũng mở lòng theo.
Từ những bức thư này mà bà hiểu được suy nghĩ của các con, uốn nắn được theo đúng về đạo đức, luân lý, cách ứng xử trong cuộc đời mà bà nghĩ là đúng”.
Ông Huy nhớ một câu chuyện tiêu biểu cho sự thấu hiểu này. “Một người bạn thân của bố mẹ tôi có con đi học ở Liên Xô. Người này sau đó vướng vào Nhân văn giai phẩm, anh con trai khi về nước đã muốn từ bỏ bố, tách ra khỏi gia đình để đảm bảo con đường phát triển sự nghiệp của mình. Đó là nỗi buồn khá phổ biến của xã hội thời đó, nhưng với mẹ tôi, việc này cũng là bài học.
Khi đó, chị tôi là Nguyễn Kim Nữ Hạnh đang học đại học ở Trung Quốc, đang phấn đấu vào Đảng, là đối tượng Đảng. Mẹ đã luôn viết thư, kể những câu chuyện gia đình, sự tiến bộ của các em, của họ hàng để chị thấy không phải chỉ có đoàn thể, tập thể mà còn có gia đình, gia đình quan trọng ra sao cho mỗi người, cho xã hội.
4 người con Hạnh, Hà, Hiếu, Huy
|
Cảm nhận được sự băn khoăn của chị Nữ Hạnh về việc sợ bố mẹ ở trong nước sẽ “lạc hậu” thậm chí dục bố phấn đấu vào Đảng, trong một bức thư, bà phân tích về sự vươn lên của mình. Bà viết rằng sau khi các con đủ lớn, bà đã đi làm để theo kịp sự tiến bộ chung của xã hội. Bà học bổ túc văn hóa hết lớp 5, lớp 7 rồi lớp 10 để nâng cao trình độ, rồi học tiếp trung cấp y sĩ… Bà viết cho chị Nữ Hạnh rằng bà đã phải cố gắng vươn lên để bắt kịp sự tiến bộ của thời đại về nhận thức, hành động, để có thể nói chuyện với các con về những gì các con đang băn khoăn, trăn trở. “Mẹ không cố gắng sẽ tuột mất các con” – đó là những gì bà luôn tâm niệm”.
Chính nhờ những bức thư đó mà sau này, bà Nữ Hạnh là người thay mẹ trăn trở, lo toan việc tiếp tục xây dựng nền tảng gia đình chu toàn, bền vững.
Một người con khác của bà Vi Kim Ngọc là bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu. “Khi còn trẻ, chị Hiếu cũng có những điều bị ảnh hưởng bởi xã hội bấy giờ. Ví dụ như ngày trước bộ trưởng có ô tô để đi, đôi khi các con đi cùng, nhưng chị ấy rất sợ ngồi ô tô của bố tôi vì sợ bị mang tiếng là “không quần chúng”, có cuộc sống khác mọi người hơn nữa sẽ bị quy là tiểu tư sản, tư sản. Nếu có đi ô tô thì cũng ngồi thấp xuống,cúi mặt xuống để không ai nhận ra. Một thời người ta đánh giá con người bằng cái nhìn giai cấp thô thiển.
Bà Vi Kim Ngọc và Hiếu, Huy
|
Mẹ tôi nhìn ra điều đó. Một mặt, bà động viên các con tham gia công tác xã hội, hòa mình vào tập thể, giúp đỡ bạn bè. Nhưng mặt khác, bà luôn dặn dò các con cũng phải biết yêu thương bố mẹ, tôn trọng gia đình, thương yêu anh chị em trong nhà. Bà không chỉ nói mà bằng những ứng xử tinh tế của mình để các con trông theo mà học”.
Ông Huy cho biết bà Vi Kim Ngọc rất thích viết nhật ký, thích viết thư. Bà viết cho mọi người – cho chồng con, các cháu, họ hàng xa gần, bạn bè, viết rất tình cảm. Bà giữ gìn cẩn thận, giữ gìn từng ly từng tý các bức thư của chồng, của các con, của bạn bè. Cả những bản theo dõi nhiệt độ mỗi khi con ốm đau đều được bà giữ lại.
"Ở nhà chúng tôi còn giữ bản theo dõi nhiệt độ khi chị Hiếu bị ốm, lao xương suốt 2 năm liền ở Việt Bắc những năm 1950 -1951. Đi đâu, đọc gì bà cũng hay ghi chép. Bà quan tâm đến những bài thuốc ta, thuốc tây chữa phổ thông trong gia đình, cắt dán lại các bài thuốc vào một cuốn sổ riêng để dùng khi cần mà không phải lụy đến ai".
“Tôi hay phải đi điền dã ở các tỉnh miền núi, biên giới xa xôi. Bà làm cho tôi quyển sổ nhỏ bằng bàn tay mang theo mỗi khi đi công tác, trong đó dán tấm ảnh gia đình và có những bài thuốc cơ bản, những mẹo chữa bệnh mà bà cặm cụi ngồi chép vào”...
Không can thiệp vào quyết định của các con
Nhận thấy sự bất hạnh của mẹ mình trong đời sống hôn nhân, ngay từ thiếu thời bà Vi Kim Ngọc đã kiên quyết đề nghị cha sêu trả lễ hôn ước trong 3 năm với dòng họ Dương Thiệu – một dòng họ nổi tiếng khi đó.
Ba gia đình Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng ở Việt Bắc, bà Vi Kim Ngọc (hàng 2, từ trái sang, áo trắng)
|
Hôn nhân của bà Vi Kim Ngọc và ông Nguyễn Văn Huyên, người do bà “chọn”, là một câu chuyện ghi dấu sự chuyển đổi quan trọng của xã hội Việt Nam, từ quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” sang “tự do yêu đương” vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Một thiếu nữ 16 tuổi tự quyết định tình yêu của mình. Đến khi các con xây dựng gia đình, bà rất tôn trọng quyết định của các con. Yêu ai, tại sao lại yêu, mối quan hệ từ khi bắt đầu đến khi đi tới hôn nhân đều được các con chia sẻ thẳng thắn với bà.
“Về cơ bản là bà ủng hộ mỗi quyết định của chị em tôi. Bà không có quan niệm cần môn đăng hộ đối, không nhìn về thành phần, giai cấp, địa vị xã hội hay hoàn cảnh kinh tế, mà nhìn vào tính cách, tư cách, phẩm chất, đạo đức ở mỗi người. Các con dâu, rể rất cảm phục bà về việc này. Dâu, rể nhà chúng tôi đều xuất phát từ gia đình bình thường, là người nghèo thành thị hay nông dân” – ông Huy vui vẻ cho biết.
GS Nguyễn Văn Huyên làm bộ trưởng, hoàn cảnh gia đình đương nhiên có cái khác so với các gia đình bình thường. Bà Vi Kim Ngọc luôn răn dạy các con rằng địa vị không quyết định các mối quan hệ xã hội, phải sống hòa mình với bạn bè, khiêm tốn, giản dị, đừng xa cách.
"Chị em chúng tôi đều phải phấn đấu, học hành. Đi học ở đâu, học gì, thi vào đâu bố mẹ đều để tự quyết, không can thiệp”.
Có một câu chuyện mà ông Huy coi là bài học lớn đầu đời, là bị “đúp” khi học lớp 5. “Hồi đó tôi mải chơi tem, chơi cờ, chểnh mảng học hành nên bị đúp. Mẹ tôi, vốn được thầy chủ nhiệm gọi là phụ huynh mẫu mực vì là tổ trưởng tổ phụ huynh, luôn quan tâm tới học sinh trong lớp – đã không hề can thiệp. Bố tôi cũng bảo thầy cứ để cho cháu đúp, để cho cháu học thêm, học lại, đó là bài học để cháu rút kinh nghiệm.
Sau đó, bố mẹ tôi cũng nói tôi rất nhiều về sự chểnh mảng, mải chơi nhưng không gay gắt, mà muốn tôi coi đó là bài học trong cuộc đời. Đúng vậy, từ đó, mà tôi bỏ chơi luôn, có ý thức tự răn, rèn mình để thành người có ích cho xã hội như bố mẹ mong muốn”.
Một nề nếp gia đình mà bà Vi Kim Ngọc duy trì là cứ sáng mùng 1 Tết con cháu quây quần. Trước bàn thờ tổ tiên, con cháu, cả lớn lẫn bé, báo cáo về kết quả học tập, làm việc của mình trong năm đã qua, về những mong ước của mình trong năm đang tới. Không khí rất vui vẻ, mọi người nhận thức rõ trách nhiệm của mình với gia đình, dòng tộc.
“Đương nhiên, xã hội bây giờ đã khác xưa rất nhiều, nhưng tới giờ anh chị em chúng tôi vẫn gìn giữ được nề nếp này để củng cố trách nhiệm của mỗi người. Chính truyền thống gia đình, trách nhiệm và sự giữ gìn gia phong đã ngăn mỗi người khỏi những hành động không phù hợp, mỗi thành viên sẽ rất cẩn trọng trong công việc, trong ứng xử, không muốn có sai sót, làm ảnh hưởng tới thanh danh gia đình, gia tộc”.
“Nếu đã xây dựng được nề nếp gia đình, các thành viên sẽ đứng vững trước ngọn gió phong ba bão táp của xã hội” – ông Huy cảm động khi nhớ lại những việc làm, những tình cảm mà người mẹ - người thầy đầu tiên đã dành cho cả gia đình mình.
Chi Mai ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét