Kể từ khi đi vào vận hành thương mại (2-2009) đến nay là tròn 7 năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất - dự án lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam - luôn bị đặt câu hỏi: hiệu quả kinh tế của dự án thế nào? Bởi trong suốt thời gian qua, việc giải quyết các ưu đãi luôn mang tính sống còn cho dự án.
Đối với một dự án lọc dầu, thông thường thì giá dầu thô (nguyên liệu) và giá xăng dầu (sản phẩm) là các yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế. Do vậy người dân không hiểu được tại sao giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh, khiến giá xăng dầu thành phẩm cũng giảm theo thì tại dự án Dung Quất, sản phẩm được sản xuất ra từ nguồn dầu thô trong nước (mỏ Bạch Hổ) lại không cạnh tranh được với giá xăng dầu nhập khẩu.
Vấn đề là ở chỗ, ngay từ khi được phê duyệt và đi vào vận hành thương mại (từ tháng 2/2009), dự án lọc dầu Dung Quất đã không vận hành theo cơ chế thị trường.
Từ năm 2009 đến nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhận được hàng loạt ưu đãi rất lớn: thời gian khấu hao dự án là 20 năm (dài hơn thời gian 15 năm nêu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi), được hưởng mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%.
Cho dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhận nhiều ưu đãi nhưng Tập đoàn Dầu khí vẫn đau đầu vì bù lỗ từ cho Dung Quất từ lợi nhuận thu được qua các dự án khác.
|
Ngoài ra, dự án còn được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 30 năm, thấp hơn nhiều so với mức thuế mà các doanh nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất được hưởng, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Như vậy có nghĩa là nếu thị trường có lên, có xuống, doanh nghiệp dầu khí nào lỗ thì lỗ chứ với chừng ấy ưu đãi, Dung Quất vẫn có khả năng cân đối tài chính.
Tuy nhiên, để cho Dung Quất có lãi tính đến hết năm 2015 (năm 2015 lãi gần 6.000 tỉ đồng) thì khoản lãi này phải xuất phát từ ưu đãi, từ cơ chế cấp bù thuế, cộng vào giá bán cho dự án mà từ trong các văn bản của Chính phủ là “cơ chế điều tiết nguồn thu”. Kể cả trong trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu xuống thấp dưới 7% thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn phải cấp bù số chênh lệch này.
Tính từ năm 2010 đến nay, Dung Quất có năm lỗ, năm lãi (đỉnh cao là năm 2013 lãi 3.000 tỉ đồng), theo Báo cáo của PVN năm 2015. Nhưng nếu tính chung từ năm 2010-2014, nhà máy vẫn lỗ trên 1.000 tỉ đồng. Còn nếu tính sòng phẳng, loại trừ trợ giá bằng thuế ra khỏi giá sản phẩm thì cũng từ năm 2010-2014, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa là PVN cấp bù chừng đó tiền cho Dung Quất. Và số tiền cấp bù cho Dung Quất được hạch toán vào lợi nhuận trước thuế của PVN.
Vì thế, nhiều khi PVN công bố lợi nhuận trước thuế hàng năm là vậy song thực chất khoản lợi nhuận đó không về ngân sách đầy đủ mà chỉ mang tính hạch toán sổ sách kế toán.
Như vậy, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành từ những năm giá dầu thế giới cao, cộng với hàng loạt ưu đãi mà còn thua lỗ thì khi giá thế giới giảm sâu, cơ chế ưu đãi vẫn tồn tại nhưng bị thị trường (ở đây là lộ trình thực hiện các FTA) “vô hiệu hóa”, việc thua lỗ thực tế còn lộ ra rõ hơn.
Ngay cả trong thời điểm giá bán tốt, Dung Quất là một dự án không được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Với 13 năm đầu tư, bị chậm đưa vào sử dụng 9 năm so với tính toán ban đầu, Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã không còn chính xác và các biến động thị trường khiến nó càng xa những tính toán ban đầu hơn.
Trong bài viết “Phân tích các yếu tố tác động đến hiệu quả dự án lọc- hóa dầu của PetroVietnam” do nhóm tác giả Hoàng Thị Đào, Ngô Thị Mai Hạnh, Cù Thị Lan (Viện dầu khí Việt Nam công bố tháng 7-2014, có nêu nhận định: “ Dự án có hiệu quả thấp chủ yếu do nhà máy chậm đi vào vận hành”. Việc chậm vận hành đã đưa tổng vốn đầu tư dự án từ 2,5 tỉ đô la (2005) lên 3,05 tỉ đô la (2009).
Ngay tại thời điểm lập Báo cáo kết thúc dự án (10-2010) mà Chính phủ trình ra Quốc hội, các thông số tài chính liên quan đến dự án như tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 5,87% hay 7,66% như báo cáo ban đầu của Chính phủ cũng có nhiều điểm không chính xác và sau đó phải báo cáo lại với Quốc hội con số thấp hơn (5,87%). Giá trị quyết toán vốn đầu tư thực tế là bao nhiêu, đã được công bố chính thức sau 8 năm đi vào vận hành hay chưa và có thực là giảm được 8.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được phê duyệt hay không, tổng thu nộp ngân sách không tính các khoản thu điều tiết thế nào, chi phí dự án đến nay ra sao… là những câu hỏi cần được làm rõ.
Tại thời điểm cách đây 6 năm (10-2010), khi quyết toán, Quốc hội và Chính phủ còn nợ lại người dân những câu hỏi về hiệu quả dự án này do thời điểm đó thời gian đi vào vận hành quá ngắn, mới chỉ vài tháng. Sau chừng ấy năm, với rất nhiều cơ chế ưu đãi và bao tiêu sản phẩm cho nhà máy, nếu nguy cơ nhà máy tạm dừng hoạt động vì lý do thua lỗ là sự thật thì câu hỏi về hiệu quả kinh tế dự án có được trả lời một cách đầy đủ?
(Theo TBKTSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét