Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Đề án tái cơ cấu 2016-2020: Xác định trọng tâm, thay đổi tư duy!

NBCL) Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa có báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2015 hướng đến xây dựng Đề án tái cơ cấu 2016-2020. Kết quả cho thấy, quá trình tái cơ cấu này còn ngổn ngang những hạn chế và tương lai nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức nhãn tiền. vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cải cách doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới cần tập trung vào đổi mới thể chế và cách thức quản trị và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Chưa chạm đến vấn đề cốt lõi của thể chế
Báo cáo cho thấy, các điểm sáng đáng ghi nhận nhất trong quá trình thực hiện tái cơ cấu vừa qua là ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ; chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao; môi trường kinh doanh có sự cải thiện; tăng trưởng kinh tế phục hồi; hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể…
Nước ta đã trải qua 4 năm thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế trên 3 lĩnh vực là đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), doanh nghiệp (trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước) và hệ thống tài chính (trọng tâm là ngân hàng thương mại). Nhìn lại chặng đường này, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô (Viện CIEM) cho biết, mặc dù có một số mặt chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Nếu không có sự thay đổi mạnh trong tái cơ cấu kinh tế thì cơ hội rất mong manh.
Nếu không có sự thay đổi mạnh trong tái cơ cấu kinh tế thì cơ hội rất mong manh.
Trong đó, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư.
Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, những ưu đãi cho DNNN vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường. Những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu DNNN chưa được chạm đến.
Bên cạnh đó, quy trình xử lý nợ xấu kéo dài và chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn đang cao là rào cản tiếp cận lãi suất của doanh nghiệp. Cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC thiếu minh bạch sẽ không thể hình thành thị trường. Và tái cơ cấu vùng, ngành chưa đi vào thực chất. Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn đặc biệt là từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tú Anh, “những vấn đề cốt lõi của thể chế kinh tế chưa được chạm đến, như: tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan nhà nước, thiếu sự phối hợp và thiếu người chịu trách nhiệm. Tư duy ưu đãi DNNN vẫn là chủ đạo, phân bổ nguồn lực đầu tư công vẫn chủ yếu do Nhà nước mà chưa sử dụng cơ chế thị trường. Hệ thống ngân hàng thương mại bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn nhưng thể chế để ngăn ngừa các lỗ hổng này chưa có thay đổi đáng kể”.
Thể chế và thị trường
Một trong những nguyên nhân khiến tái cơ cấu kinh tế chưa đạt được thành quả như kỳ vọng được Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ KH&ĐT, nhận định là do chúng ta không nhận thức đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và làm cho chúng méo mó. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cũng cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là đang có một khoảng cách lớn giữa thể chế tạo ra bởi các hiệp định thương mại tự do và thể chế trong nước. Do vậy, “nếu không đẩy cải cách nhanh lên thì những thách thức khác như sự yếu kém năng lực cạnh tranh, yếu kém của DN, yếu kém trong sản xuất nông nghiệp (ngành chăn nuôi) sẽ không khắc phục được và kém lại càng kém hơn”, ông Cung lo ngại. Theo ông Cung: “Chỉ khi chúng ta thay đổi thì chúng ta mới biến những thách thức thành cơ hội. Giờ không phải là lúc kêu ca có quá nhiều điểm yếu mà chúng ta phải biến điểm yếu thành điểm mạnh, biến thách thức mà hiệp định thương mại tự do tạo ra thành cơ hội”.
Tuy nhiên, để làm được điều này, theo ông Cung, trước hết chúng ta phải tạo ra thị trường cạnh tranh công bằng và trật tự vì nó là động lực thúc đẩy phân bổ lại nguồn lợi như tài sản của Nhà nước trong DNNN, tài sản của DN tư nhân mà hiện nay đang bị kìm nén… Nếu làm được việc này, môi trường kinh doanh nói chung và năng lực cạnh tranh sẽ có những đột phá tiến bộ.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng kiến nghị, để cải cách kinh tế hiệu quả như về điều hành chính sách tài khóa, Việt Nam phải thiết lập quy tắc cân bằng ngân sách trung hạn cho giai đoạn 5 năm, những năm tăng trưởng tốt có thặng dư, những năm cần kích cầu có thâm hụt, nhưng bình quân cả giai đoạn ngân sách phải cân bằng.
Về điều hành chính sách tiền tệ, ông Thành cho rằng việc tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 nhưng không đi vào các hoạt động sản xuất là một quan ngại cần phải được giải quyết.
2016-2020: Cần hình thành liên minh cải cách để tạo sức ép thay đổi
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, mục tiêu tái cơ cấu năm 2016-2020, cần phải chú ý tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân là ưu tiên hàng đầu, trong đó doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là công cụ then chốt; khuyến khích doanh nghiệp vừa và lớn, tạo liên kết vùng, cụm.
Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư, đổi mới thể chế quản lý kinh tế. Trong đó, cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài phát triển; đổi mới quản lý đầu tư công; cải cách chức năng chủ sở hữu, quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp; dịch vụ công và ngân sách cứng.
TS. Cung nhấn mạnh, do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân, nên nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào. Các dự án đầu tư công đều bắt buộc phải kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được công bố công khai lên mạng Internet. Áp dụng đầy đủ cơ chế và nguyên tắc thị trường trong phân bổ vốn đầu tư nhà nước.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới cần tập trung vào đổi mới thể chế và cách thức quản trị và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Nghiêm ngặt áp dụng nguyên tắc ngân sách cứng đối với doanh nghiệp nhà nước.
Tiến hành cổ phần hóa thực chất các doanh nghiệp nhà nước với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài chứ không chỉ là sự sở hữu chéo của các doanh nghiệp nhà nước với nhau”, TS. Cung chỉ rõ. Hiện nay, Việt Nam đang chịu thách thức lớn là quá trình quyết định của Nhà nước mang tính phân tán, thiếu địa chỉ cụ thể. Do đó, khi các quyết định đó tạo ra những hậu quả cho nền kinh tế, thì không ai chịu trách nhiệm.❏
Khánh An
Ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế FullbrightÔng Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright: Tái cơ cấu kinh tế được đến đâu? Nếu là những cái thay đổi về chất được thúc đẩy bởi cải cách thể chế thì chúng ta thấy rất hạn chế, nếu không muốn nói là không có. Đơn cử, trong đầu tư công, hiệu quả nhờ những chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ thì được siết chặt lại, nhưng những thay đổi về “chất” chưa cải thiện, tỷ suất sinh lợi của dự án đầu tư công vẫn không được gọi là cải thiện. DNNN cũng như vậy, những doanh nghiệp còn lại là Nhà nước nắm quyền chi phối và kiểm soát thì vẫn nặng, tỷ suất sinh lợi vẫn thấp hơn các khu vực khác. Khu vực ngân hàng đã xác định ngân hàng yếu kém, có những tuyên bố rằng đã tái cơ cấu xong, nhưng thực tế có nhiều ngân hàng đã được tái cơ cấu lại đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt, vẫn phải tái cơ cấu. Như vậy, văn bản ban hành nhiều, một số chỉ số vĩ mô thì được cải thiện nhưng những thay đổi về chất xuất phát từ cải cách thể chế thì vẫn còn rất hạn chế.
TS. Nguyễn Tú Anh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ươngTS. Nguyễn Tú Anh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Để thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trên cả bốn trụ cột: ổn định tiền tệ, ổn định tài khoá, ổn định thị trường và ổn định môi trường chính sách. Riêng trong tái cơ cấu DNNN, chúng ta cần thay đổi được “bản chất”, tức là trong cách quản trị doanh nghiệp, có hệ thống nhà đầu tư chiến lược bên ngoài khu vực nhà nước; đồng thời thay đổi cách tư duy, vận hành mục tiêu của cổ phần hóa. Nếu chúng ta chỉ cổ phần hóa với một tỷ lệ rất nhỏ ra bên ngoài, trong khi chủ yếu là các DNNN mua lại lẫn nhau thì bản chất câu chuyện không thay đổi.
Ông Ray Mallon, cố vấn cấp cao Dự án RCVÔng Ray Mallon, cố vấn cấp cao Dự án RCV: Việt Nam chưa chú ý đầy đủ trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường, do đó cần phải cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả nền kinh tế và làm sao kết quả cải cách chia sẻ đồng đều cho tất cả mọi người. Nghị quyết 19 là nội dung “tái cơ cấu” nhiều nhất và đạt được kết quả nhất bởi nghị quyết này đã chỉ ra được kết quả là thế nào, thời gian đạt được bao nhiêu, chứ còn chung chung thì không thể đạt được kết quả. Việt Nam cũng cần duy trì và có sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao, không cần trải mọi lĩnh vực, mà phải tái cơ cấu có trọng tâm, huy động sự ủng hộ cao nhất trong các lĩnh vực đề đạt được kết quả cao nhất, lĩnh vực nào quan trọng thì cần phải ưu tiên cao độ cho lĩnh vực đó.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế trung ươngTS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế trung ương: Trong quá trình tái cơ cấu, nhiều người cứ đổ cho nguồn lực quốc gia chúng ta thiếu và yếu. Tôi thấy nước ta có rất nhiều nguồn lực mà không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả. Hơn nữa, nói tái cơ cấu cần phải chỉ rõ cần tái cơ cấu gì rất cụ thể. Tôi cho rằng, nó ra cần làm gì không khó, vấn đề ở chỗ nói ra rồi thì ai sẽ làm và làm như thế nào?

Nếu không có thay đổi mạnh trong tái cơ cấu kinh tế thì cơ hội rất mong manh

Thời kỳ 2016-2020, cần nhấn mạnh bối cảnh quốc tế. Việt Nam đang đứng trước sức ép mạnh mẽ của hội nhập. Nếu hội nhập không tốt thì cơ hội sẽ thành thách thức. “Giai đoạn mới này còn gay gắt hơn nhiều, nếu không có thay đổi mạnh trong tái cơ cấu kinh tế thì cơ hội rất mong manh“. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định khi đề cập đến đề án tái cơ cấu kinh tế 2016-2020.
Image001
Theo bà Lan, trong tái cơ cấu, cần phải nói rõ vai trò điều hành. Vì điều hành không ổn, không có sự giám sát của xã hội, mà chỉ có sự giám sát nội bộ của Nhà nước, nên tái cơ cấu chưa thực sự hiệu quả. “Nhà nước đóng 2 vai thì không thể tự mình tái cơ cấu 3 trụ cột được”, vị chuyên gia này tâm huyết.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng, ổn định tái cơ cấu là thông điệp đúng, nhưng không có nghĩa là không chấp nhận hy sinh. “Nhiều trường hợp nhân danh ổn định vĩ mô nên không hy sinh cái gì cả”, chuyên gia Phạm Chi Lan thẳng thắn. Một điều nữa, cũng cần làm rõ, là trên thực tế chưa thấy thị trường tái phân bổ nguồn lực vì nguồn lực cơ bản vẫn nằm trong tay Nhà nước, nên thị trường không có quyền lực để phân bổ. Việc lạm phát giảm mạnh không hẳn chỉ nhờ chính sách vĩ mô, mà còn do giá dầu giảm, giá lương thực hay tác động của cầu nội địa thấp. Ổn định vĩ mô còn bấp bênh và niềm tin của thị trường vào tái cơ cấu là chưa nhiều.
Thời kỳ 2016-2020, cần nhấn mạnh bối cảnh quốc tế. Việt Nam đang đứng trước sức ép mạnh mẽ của hội nhập. Nếu hội nhập không tốt thì cơ hội sẽ thành thách thức. “Giai đoạn mới này còn gay gắt hơn nhiều, nếu không có thay đổi mạnh trong tái cơ cấu kinh tế thì cơ hội rất mong manh”, bà Lan quan ngại.
PV

Cần thay đổi về chất

Sở dĩ phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế bởi, sau nhiều năm vận hành theo tư duy, cách quản lý cũ, nền kinh tế đã đứng trước nguy cơ tụt hậu rõ ràng. Đơn cử, nếu mức tăng trưởng trung bình là 5%/năm thì đến năm 2035 GDP bình quân đầu người của ta chỉ bằng 75% của Trung Quốc và bằng 83% của Thái Lan. Càng nan giải hơn khi nguồn lực Nhà nước hạn chế, ngân sách thâm hụt và tỷ lệ nợ công tăng cao. Hiện, nhiều chuyên gia lo ngại tốc độ gia tăng nợ công có xu hướng diễn ra nhanh hơn so với các năm trước.
Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn tụt hậu, thiếu đồng bộ về đường sá, cảng hàng không, cảng biển, năng lượng… nên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tình trạng doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, với mô hình quản lý lạc hậu và năng suất lao động thấp, ngày càng ảnh hưởng xấu đến quá trình thực hiện mục tiêu hiện đại hóa.
Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ triển khai tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ vốn bằng cách áp dụng những biện pháp ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa và lãi suất hợp lý. Kết quả là lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ và đưa xuống mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng trưởng và đời sống dân sinh ổn định.
Tiếp theo là tái đầu tư công nhằm đổi mới cơ chế và cách thức huy động, quản lý, sử dụng vốn nhà nước để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, chấm dứt đầu tư dàn trải, khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản… Bên cạnh đó, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết hợp với cổ phần hóa được đẩy mạnh, vừa bảo đảm mục tiêu minh bạch, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa thu hồi vốn về cho Nhà nước. Đến nay, các đơn vị đã thoái được hơn 25% vốn đầu tư ra ngoài ngành, với giá trị thực tế bằng 1,4 lần giá trị trên sổ sách.
Các chuyên gia cho rằng, kinh tế vĩ mô đã ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, lạm phát thấp, tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các năm… Song, thực tế cũng bộc lộ một số hạn chế không thể xem thường, như tái cơ cấu đầu tư công chưa cải thiện rõ rệt; việc xử lý nợ xấu kéo dài, chưa tách hết chức năng chủ sở hữu ra khỏi quản lý; vẫn còn tư duy ưu đãi đối với DN nhà nước…
Việc nghiên cứu, xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 được đặt ra trong bối cảnh phải giải quyết thách thức về chất lượng tăng trưởng, nguồn lực hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư lớn, cạnh tranh ngày càng gay gắt… Theo các chuyên gia, vấn đề căn bản cần giải quyết là cải cách thể chế kinh tế nhằm bảo đảm điều kiện minh bạch, thông thoáng; tạo môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh công bằng, dễ hiểu và dễ tuân thủ. Đây cũng là yêu cầu khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và hội nhập quốc tế chủ động thay vì “cuốn theo xu thế hội nhập”.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự tinh lọc, bảo đảm các yêu cầu sản xuất và giao thương trong điều kiện hội nhập; lấy khả năng cạnh tranh là mục tiêu và động lực phát triển. Ngoài kỹ năng quản trị, FTA là một cú hích để doanh nghiệp tiếp cận, du nhập công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại; từ đó tăng cường chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các nước. Những nỗ lực của Chính phủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đánh giá cao, với tỷ lệ 90% trong số 514 doanh nghiệp đã hoàn thành, nhưng cải cách doanh nghiệp vẫn là yêu cầu quan trọng hàng đầu của tái cơ cấu kinh tế thời gian tới.
PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét