Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

FacebookEmailTwitterGlusPrint Phó thủ tướng: 'Thay đổi thói quen tiền mặt, đất nước phát triển nhanh hơn'

Phó thủ tướng: 'Thay đổi thói quen tiền mặt, đất nước phát triển nhanh hơn'

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước kết nối, sớm tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân thanh toán điện tử giúp đất nước phát triển.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015)  sáng nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh, giao dịch qua mạng hằng năm đều tăng rất lớn, nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.
“Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%”, ông Đam nhận định.
Theo Phó thủ tướng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến đã được đề ra từ lâu, tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn.
“Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen đó tốt diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thế giới nhìn vào có đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó thủ tướng nhận định.
pho-thu-tuong-thay-doi-thoi-quen-tien-mat-dat-nuoc-phat-trien-nhanh-hon
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định GDP có thể tăng 1% nếu các hoạt động thanh toán được thực hiện theo phương thức điện tử. Ảnh: Đình Nam
Đại diện Chính phủ cũng bày tỏ sự tin tưởng về sự phát triển của thanh toán điện tử tại Việt Nam nếu tất cả các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp cùng chung tay phát triển phương thức này trở nên quen thuộc, thân thiện, văn minh hơn.
Thể hiện rõ sự quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt cũng chính là thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại diễn đàn - đó là "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh hơn. Theo đó, diễn đàn tập trung bàn luận hai nội dung chính là Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới. 
Đặc biệt, trong khuôn khổ diễn đàn sẽ diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận ghi nhớ liên bộ Tài chính, Công Thương và và Ngân hàng Nhà nước - Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ. Với thỏa thuận này, Ngân hàng Nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác nhiều hơn nữa của các bộ ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử ngày càng phát triển.
pho-thu-tuong-thay-doi-thoi-quen-tien-mat-dat-nuoc-phat-trien-nhanh-hon-1
Từ trái qua phải: Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Toàn Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh ký kết Thỏa thuận ghi nhớ liên bộ nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ.
Làm thế nào để thanh toán điện tử hỗ trợ tốt dịch vụ công và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, lĩnh vực dịch vụ công điện tử đang được Bộ Tài chính đẩy mạnh. Năm 2015, Tổng cục Thuế đã triển khai cung cấp toàn diện các dịch vụ thuế điện tử, bao gồm: đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử; tổ chức các đợt trao đổi, ký kết thoả thuận hợp tác triển khai nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại, bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Dịch vụ nộp thuế điện tử đã góp phần tiết kiệm tối đa thời gian và nhân lực của doanh nghiệp cho việc nộp thuế; đồng thời hạn chế sai sót khi kê khai, thanh toán thuế và được cơ quan thuế xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế ngay tại thời điểm thực hiện giao dịch, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Hiện ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng, trong đó 27 ngân hàng trong nước và 3 ngân hàng nước ngoài đã chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến cuối tháng 11 đã có 92% doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử nhưng việc nộp thuế chưa cao. Theo ông Trí, ở góc độ chủ quan ngành thuế có một số hoạt động cần điều chỉnh, ví dụ việc sử dụng chữ ký số, ở đâu đó còn nhiều thủ tục. Chính sách tuyên truyền cũng cần sâu rộng hơn. Về phía khách quan từ doanh nghiệp, theo ông Trí, có nhiều đơn vị hạ tầng tốt, trong khi không ít công ty thì chưa đáp ứng được điều này. Do đó, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng sẵn sàng tham gia vào công cuộc thanh toán điện tử.
pho-thu-tuong-thay-doi-thoi-quen-tien-mat-dat-nuoc-phat-trien-nhanh-hon-2
Phiên thảo luận về Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thêm, thời gian qua các ngân hàng đã tích cực tham gia quá trình thu thuế điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp đăng ký nhiều nhưng thực nộp còn khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do việc nộp thuế điện tử liên quan đến công nghệ thông tin của nhiều phía nên cần phải có sự phối hợp đồng bộ.
Phó thống đốc cho biết thêm, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi với Bộ Tài chính để đưa ra những giải pháp cụ thể để có hệ thống kết nối liên thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Ông Thắng cho rằng, để doanh nghiệp, người dân chấp nhận phương thức mới này cần phải có một vài ưu đãi. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đạt được một khoản thu qua thanh toán điện tử sẽ miễn giảm các nghĩa vụ khác. Phí thẻ sẽ được xây dựng rất hợp lý để vừa minh bạch hoá, vừa cổ vũ doanh nghiệp.
Về thu thuế điện tử ở vùng sâu, vùng xa, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có chỉ đạo áp dụng Mobile POS, có đường truyền ổn định và tiện lợi hơn là các máy POS.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng để thúc đẩy thu thuế điện tử cần ban hành một hệ thống chuẩn đồng bộ giữa các bộ ngành, người dân đảm bảo hệ thống giao dịch và thanh toán liên ngân hàng ổn định. Không nên để tình trạng Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại một ngân hàng và người dân lại mở tài khoản ở một ngân hàng không có kết nối với nhau. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để ban hành hệ thống chuẩn này.
Chia sẻ khó khăn cùng ngành thuế và ngân hàng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, nộp thuế điện tử cũng là động lực khiến doanh nghiệp đổi mới mô hình quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại bắt kịp xu hướng thay đổi của quốc tế và những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Ông đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ. Thứ nhất, phải xây dựng lòng tin cho doanh nghiệp, để họ không còn cảm thấy khó khăn và “nản” khi thử nghiệm áp dụng nộp thuế không dùng tiền mặt. Thứ hai là phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu chính sách và vận động họ đăng ký nộp thuế điện tử. Ngoài ra, các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng phải kết nối với nhau để hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Về phía doanh nghiệp, trình độ công nghệ thông tin cần được nâng cao.
Nhà nước cần phải đầu tư, huy động các doanh nghiệp công nghệ thông tin cùng chung tay vào công cuộc xây dựng hệ thống thu thuế điện tử. Phải đảm bảo hệ thống thông suốt, không tắc nghẽn vào hạn chót nộp thuế khiến doanh nghiệp bị phạt. Đồng thời, các công ty công nghệ thông tin phải phối hợp chặt chẽ với ngành tài chính, ngân hàng tổ chức các sự kiện thúc đẩy thu thuế điện tử. Mở các khoá đào tạo về nộp thuế điện tử cho các hiệp hội doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp dễ dàng thao tác nộp thuế điện tử.
Ông Lộc khẳng định, VCCI sẵn lòng hợp tác với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính và khi triển khai để giúp doanh nghiệp có thể nộp thuế điện tử nhanh chóng, thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh trạnh trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.
pho-thu-tuong-thay-doi-thoi-quen-tien-mat-dat-nuoc-phat-trien-nhanh-hon-3
Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ các giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử.
Trước câu hỏi, việc thu thuế của 1,5 triệu hộ gia đình kinh doanh cá thể nên được thực hiện ra sao, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, không quá khó nếu tạo được sự thuận lợi cho người nộp.
"Làm thế nào để thuận lợi thì người ta sẽ tự động làm. Do đó, cơ quan quản lý cần tạo ra môi trường thanh toán minh bạch, thuận lợi. Bên cạnh việc tuyên truyền mạnh về lợi ích của hình thức này thì nên mở rộng hình thức nộp thuế theo cách đơn giản hơn", chuyên gia này cho hay. 
Theo bà Cúc, đối với nhưng hộ kinh doanh cá thể, cho thuê nhà, nhiều người ít hiểu về công nghệ thông tin, do đó rất khó để cập nhật công nghệ với họ. Vì vậy, bà đề xuất nên xây dựng phương án cho phép nộp thuế qua ATM, giảm thiểu các khâu phức tạp, kê khai rườm rà. 
Giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và tại các điểm bán lẻ
Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay những chính sách của Chính phủ để phát triển thương mại điện tử đã rất rõ ràng. Những điều kiện để phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử như hạ tầng kỹ thuật đã rất thuận lợi.
“Các quốc gia khác trong khu vực đều tăng trưởng 2 con số về thương mại điện tử và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Do đó, phải làm sao để thanh toán điện tử sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, hiện đại hóa ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam phát triển đúng với quy mô và tiềm năng”, ông Tuấn Anh nhận định.
Thứ trưởng cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ Công Thương đối với việc xây dựng chính sách thương mại điện tử toàn diện nói chung, trong đó có thanh toán điện tử với những nội dung, giải pháp rất cụ thể.
Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Quá trình triển khai đã đạt được những thành tựu đáng kể, tạo kết nối thông suốt trong toàn hệ thống, với mạng lưới rộng khắp toàn quốc, cung cấp nhiều hình thức thanh toán điện tử hiện đại. Tuy nhiên, thực tế thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp. Năm 2014, mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỷ USD, nhưng thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Số lượng POS lắp đặt đã tăng nhanh, dự kiến có thể đạt 250.000 POS cuối năm 2015, tuy nhiên số lượng thanh toán chưa nhiều.
pho-thu-tuong-thay-doi-thoi-quen-tien-mat-dat-nuoc-phat-trien-nhanh-hon-4
Thanh toán điện tử trở thành mối quan tâm chung của nhiều ngành.
Để cải thiện tình hình này, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để phát triển thanh toán điện tử cũng như trình Chính phủ các đề án liên quan.
Ông Tiên dự đoán, tương lai ngân hàng số sẽ tích hợp với smartphone. Bởi hiện nay thẻ có hai loại là vật lý và phi vật lý (ép trên các con chíp). Nhưng thời gian tới, thẻ chíp này sẽ là chủ đạo. Do đó, nay chúng ta phải xây dựng các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho xu hướng này trong tương lai để đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiếp xúc.
Vụ trưởng Thanh toán cũng nhìn nhận, muốn phát triển thanh toán điện tử thì phải chấp nhận cuộc cạnh tranh mạnh mẽ để luôn luôn cho ra những sản phẩm mới và tốt nhất cho thị trường. Ông Tiên cũng đề nghị giữa ngành ngân hàng và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần phải tăng cường việc trao đổi, bàn cách phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ…
Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nhất của thế giới vào thanh toán điện tử, thay đổi cách thức hoạt động… giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm lớn về thời gian, chi phí, nguồn lực cũng như nâng cao hiệu quả chung của kinh tế xã hội.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng dường như thanh toán điện tử nói chung và hình thức POS nói riêng đang bỏ quên phần rất lớn trên thị trường khi mới chỉ tập trung ở các điểm mua sắm hiện đại, ở thành phố lớn. Trong khi đó bán lẻ truyền thống chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường nhưng rất nhiều nơi chưa có thanh toán điện tử. 
Do đó, bà Loan đề xuất cần xây dựng các giải pháp kết nối và hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng. "Làm sao để tuyên truyền, động viên để thanh toán điện tử đi vào từng phân khúc bán lẻ, trong đó không chỉ mở rộng độ phủ ở thành thị mà còn cả những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng sa", bà Loan nói.
Xu hướng tiêu dùng mới
Ông Sean Preston Giám đốc Visa Khu vực Việt Nam - Lào - Campuchia cho biết, qua thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, ông thấy người Việt tiếp nhận công nghệ điện tử rất tốt. Do đó, theo ông dự báo thì tiềm năng của thương mại điện tử là rất lớn và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
Ông Presron phân tích thêm, có ba yếu tố quyết định thành công cho thương mại điện tử là niềm tin, sự thuận tiện và thói quen. "Khi nói đến niềm tin, chắc rằng chúng ta sẽ quan tâm đến giao dịch đó có tin tưởng không, và các dịch vụ, tiện ích có thuận tiện cho người dùng hay không", ông nhận định đồng thời cho biết ở góc độ người tiêu dùng, thói quen sẽ thay đổi. Như Singapore, lúc ông mới làm ở đó thì thói quen dùng tiền mặt của người dân nước này rất lớn nhưng giờ thì ngược lại. Vị này cũng khuyến nghị, nên sử dụng mật khẩu một lần để tăng tính bảo mật.
Đại diện Visa cũng chia sẻ, thương mại điện tử đang dịch chuyển dần từ máy tính sang điện thoại, giúp người sử dụng có thể thao tác nhanh gọn khi thanh toán.
Ông Arn Vogels, Giám đốc quốc gia và trưởng đại diện khu vực Đông Dương, Master Card cho rằng, xu hướng thế giới hoá đang xâm nhập mạnh vào thế giới thực tế qua mọi mặt đời sống. Ai cũng có một vài thẻ ngân hàng để sử dụng trong việc thanh toán online, xem phim, đi ăn uống… Thực tế, thanh toán trực truyến đã tiết kiệm thời gian, tiết kiệm cho người dân.
Master Card đang áp dụng những quy chuẩn toàn cầu, trong đó có 600 nhân viên chuyên về an ninh mạng. Thẻ Master Card có đầu tiên ở Mỹ và Anh. Để đưa về Việt Nam cần phải có sự hợp tác giữa các bộ ngành. Master Card chỉ có thể cung cấp về công nghệ, còn việc thực hiện ra sao thì các bộ ngành phải phối hợp trực tiếp. Theo ông Arn thay vì chi phí thuê ngoài, Chính phủ nên chọn hướng hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ivan, Mortimer-Schutts, Giám đốc khu vực Đông Á về Thanh toán bán lẻ và Mobile Banking chia sẻ, với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường thanh toán điện tử. Ngoài các ngân hàng, hiện nay nhiều đại gia công nghệ cũng bắt đầu tham gia sáng tạo các công cụ thanh toán cung cấp dịch vụ tài chính cho mạng lưới khách hàng rất rộng lớn của họ. Ông Ivan cho rằng, trong trường hợp này, ngân hàng không phải là đơn vị cung cấp nhưng vẫn được hưởng lợi từ việc kết nối với các công cụ thanh toán di động, điển hình là Samsung Pay, Apple Pay...
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Vietinbank, cho rằng, để thúc đẩy thanh toán điện tử thì điều quan trọng là thay đổi thói quen của người dùng và muốn làm như vậy thì phải tạo sự thuận lợi tối đa cho họ.  
"Khi người dân đi mua sắm, khám bệnh, đi mua vé tàu... đều phải có phương tiện thanh toán. Chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành để đưa thanh toán vào gần gúi nhất với đời sống của người tiêu dùng. Và hiện nay, chiến lược của chúng tôi không chỉ dừng ở Internet banking nữa mà phải đưa mobile trở thành phương tiện thanh toán tiện lợi nhất cho khách hàng", ông Lân cho hay.
Sáng 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đã đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin.
Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính.
Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF. Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ: Vietcombank, VietinBank, Sacombank, TPBank, MasterCard, Visa, JCB, Vietbank và VnPay.
VnExpress
Ảnh: Giang Huy, Quý Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét