(Quan điểm) - "May mà sự cố xẩy ra ban ngày. Nếu xẩy ra vào ban đêm thì lượng hóa chất độc hại sẽ tràn ra nhiều hơn".
Khớp nối là chi tiết đáng lẽ ra không bao giờ "bục"
Trước kết luận nguyên nhân sự cố vỡ đường ống dẫn nước dư có chứa hàm lượng xút loãng tại nhà máy Alumin, ngày 13/2, là do khớp nối đường ống qua thời gian sử dụng bị lão hóa, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng - Vinacomin cho rằng, đó là chuyện vô cùng khó tin.
Theo phân tích của ông Sơn, hệ thống dường ống dẫn nước "dư từ hồ bùn đỏ" là hạng mục quan trọng và có áp (nước trong ống không tự chảy mà được bơm đẩy vào dưới một áp suất nhất định).
Thông thường, trong hệ thống đường ống chịu áp lực (ống dẫn hơi, dẫn nước, dẫn chất thải...) thì "khớp nối đường ống" là chi tiết quan trọng và được tính toán (lựa chọn các thông số) với hệ số an toàn cao nhất (cao hơn so với ống).
Mặc dù vậy, sự cố bục khớp nối HDPE DN219 đã xảy ra ngay trong giai đoạn mới đưa dự án vào hoạt động chứng tỏ chất lượng của hệ thống đường ống đã không đạt tiêu chuẩn tối thiểu và tiêu chuẩn thiết kế quá thấp, không loại trừ chủ đầu tư đã mua phải hàng rởm. Các quy trình, tiêu chuẩn, thiết bị thực hiện các quy trình đó đều kém chất lượng.
Một chi tiết đáng quan tâm khác, đó chính là việc ngừng bơm, đóng van xả chỉ được thực hiện "sau khoảng 20 phút" xảy ra sự cố, chứng tỏ hệ thống đường ống quan trọng này không có hệ thống đo lường kiểm tra giám sát tự động tập chung (C&I).
Nhà máy alumin Tân Rai
|
"May mà sự cố xẩy ra ban ngày, nếu xẩy ra vào ban đêm thì lượng hóa chất độc hại sẽ tràn ra xung quanh, lặp lại kịch bản như tai họa ở Hungary trước đây và thiệt hại chắc chắn không nhỏ'' - ông Sơn thẳng thắn.
Theo vị chuyên gia, so với các sự cố của đường ống dẫn nước từ Hòa Bình về cấp cho Hà Nội của "đại gia" Vinaconex, việc "bục khớp nối" của dự án alumina Tân Rai còn nguy hại hơn (vì có pH cao ở mức nguy hiểm), và lại vỡ khớp nối (chứ không phải chỉ bục đường ống như Vinaconex) là chi tiết đáng lẽ ra không bao giờ "bục" được.
Sự cố này xẩy ra nhanh chóng trong khi công trình chưa vận hành hết công suất và chưa vận hành hết thời gian tuổi thọ theo thiết kế.
''Tôi không thể tin lại xảy ra sự cố này, vì dự án vẫn đang trong thời hạn bảo hành, mà bình thường tuổi thọ của đường ống sẽ phải dài gấp 3 - 4 lần thời gian bảo hành", ông Sơn chỉ rõ.
Chính vì thế, theo ông Sơn, với hệ thống này phải xem lại thiết kế, chiều dày đường ống, chất lượng chế tạo ống, đặc biệt là các khớp nối giữa hai đoạn ống.
Minh chứng cho "cú lừa" của nhà thầu Trung Quốc
Nhìn nhận về góc độ xử lý, ông Sơn nhấn mạnh: "Cần kịp thời xem lại trách nhiệm của: một là, chủ đầu tư; hai là, tư vấn giám sát; ba là, nhà thầu xây dựng; bốn là, hội đồng nghiệm thu của dự án.
Sau khi xác định rõ trách nhiệm, cần phải có hình thức kỷ luật và nếu cần, truy cứu trách nhiệm hinh sự (tương tự như đối với các sự cố của Vinaconex).
Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung hệ thống đo lường, kiểm tra giám sát tự động trước khi cho phép vận hành trở lại.
Chúng ta phải lưu ý, đây chỉ là một trong số nhiều hệ thống: đường ống - máy bơm -van tiết lưu - van bảo vệ...rất phức tạp (có lưu chất làm việc là những chất cực độc và nguy hiểm).
Vì vậy, trong khi còn chưa muộn, cần rà soát lại tất cả các hệ thống đó từ khâu thiết kế (tiêu chuẩn thiết kế), khâu cung cấp thiết bị (tiêu chuẩn chế tạo thiết bị), khâu thi công, giám sát và nghiệm thu".
Bên cạnh đó, tất cả những sự cố liên tiếp xảy ra trong 4 năm qua, ông Sơn cho rằng, đây là minh chứng rõ ràng cho "cú lừa" của nhà thầu Trung Quốc.
Việt Nam ngỡ rằng bỏ thầu được giá rẻ nhưng lại thành ra quá đắt, thẳng thắn mà nói thì nếu xét thầu đúng, khách quan chúng ta không thể chọn Trung Quốc, cái này là rõ ràng.
Nếu như, năm 2014 chỉ vỡ hồ đuôi quặng, chất bùn chảy ra chỉ bẩn không nguy hại, nhưng hồ bùn đỏ vừa bẩn vừa nguy hại, để thấy các sự cố xảy ra mang tính chất hệ thống từ hồ đơn giản đến đường ống quan trọng, nên không thể xem xét qua loa.
"Nguyên nhân bục khớp nối là nguyên nhân trực tiếp, còn nguyên nhân đằng sau nó tại sao bị bục, thiết kế đểu, chọn thiết bị dởm, tất cả phải được làm rõ. Đặc biệt, với sự cố mang tính chất toàn diện, hệ thống ở tất cả các khâu sản xuất, thì phải tiệm cận nghiêm túc, nghiêm khắc để đánh giá toàn bộ", ông Sơn khẳng định.
Thanh Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét