Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2015, toàn hệ ngân hàng Sacombank lỗ tới 521,44 tỷ đồng nên đơn vị nay đã mạnh tay cắt giảm lương thưởng.
Thua lỗ nặng nề
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa khiến giới tài chính bất ngờ khi công bố những khoản thua lỗ nặng nề của quý 4/2015 trong cả báo cáo tài chính riêng lẻ và báo cáo tài chính hợp nhất.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính, riêng ngân hàng Sacombank lỗ tới 583,26 tỷ đồng trong quý 4/2015. Trong khi đó, Sacombank lãi 406,17 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014. Lũy kế lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 chỉ còn 1.013,42 tỷ đồng, giảm 1.265,24 tỷ đồng, tương ứng 55,53% so với 2014.
Do được các khoản lợi nhuận từ công ty con bù sang nên toàn hệ thống Sacombank trong quý 4/2015 “chỉ” còn thua lỗ 521,44 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2014, Sacombank lãi 328,56 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Sacombank lãi 1.146,26 tỷ đồng, giảm 1.060,17 tỷ đồng, tương ứng 48,05% so với cả năm 2014.
Trong kỳ, Sacombank chỉ duy trì được đà tăng trưởng của thu nhập từ hoạt động dịch vụ và thu nhập khác duy trì được đà tăng trưởng. Thu nhập dịch vụ đạt 491,20 tỷ đồng, tăng 89,76 tỷ đồng, thu nhập khác đạt 489,92 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 13,67 tỷ đồng quý 4/2015.
Những thu nhập quan trọng lại đi lùi mạnh. Thu nhập thuần từ lãi đạt 913,52 tỷ đồng, giảm 340,44 tỷ đồng, tương ứng 27,15% so với quý 4/2014, lũy kế cả năm đạt 6.614,94 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 16,18 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi 64,02 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tệ hơn, hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khiến Sacombank thua lỗ. Các khoản thua lỗ này lần lượt là 29,45 tỷ đồng và 56,79 tỷ đồng.
Đa số các khoản thu nhập đều đi lùi nên lợi nhuận của Sacombank tăng trưởng âm. Tình hình trở nên tệ hơn nữa khi Sacombank dồn rất nhiều ngân sách cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chỉ tiêu này đạt 1.128,63 tỷ đồng, tăng 937,36 tỷ đồng, tương ứng 490% so với quý 4/2014, lũy kế cả năm đạt 2.132,31 tỷ đồng.
Trong giải trình báo cáo hợp nhất, Sacombank chỉ tập trung cộng trừ các chỉ tiêu mà không giải thích rõ bản chất đằng sau. Tuy nhiên, nhìn vào bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 4/2015, có thể thấy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt là nguyên nhân chính khiến Sacombank thua lỗ.
Sacombank phải đẩy mạnh chi phí này vì trong quý 4, Sacombank hoàn thành thương vụ thâu tóm ngân hàng Phương Nam (PNB) – ngân hàng có khoản nợ xấu “khủng”. PNB khiến nợ xấu của Sacombank đạt 3.450 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.520 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2015. Nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 1.005,65 tỷ đồng lên 3.070,69 tỷ đồng.
Cắt giảm lương thưởng
Trong kỳ, do thâu tóm PNB nên nhân sự của Sacombank tăng mạnh. Thế nhưng quỹ lương ít thay đổi. Điều đó có nghĩa lương thưởng của mỗi nhân viên đã bị giảm đi.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2015, ngân hàng có 15.505 người, tăng 2.922 người so với quý 3/2015. Có lẽ đa số trong lượng nhân sự tăng lên này đều được chuyển từ PNB sang. Nhân sự tăng mạnh nhưng quỹ lương chỉ tăng nhẹ.
Chi lương và phụ cấp nhân viên kỳ này đạt 2.416,41 tỷ đồng, tăng 173,14 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. Như vậy, bình quân mỗi nhân viên ngân hàng Sacombank được nhận 155,85 triệu đồng/người/năm, tương ứng 13 triệu đồng/người/tháng. Con số này trong quý 3/2015 là 15,93 triệu đồng/người/tháng.
Tình trạng đó không chỉ diễn ra trong riêng ngân hàng mà còn diễn ra trong toàn hệ thống Sacombank. Tại thời điểm cuối năm 2015, toàn hệ thống Sacombank có 16.485 người, tăng 2.945 người so với quý 3/2015. Đa số nhân sự tăng thêm đều phục vụ cho ngân hàng.
Chi lương và phụ cấp cả năm 2015 trong hệ thống Sacombank đạt 2.594,22 tỷ đồng, tăng 218,67 tỷ đồng so với 2014. Bình quân, mỗi nhân viên Sacombank nhận 157,37 triệu đồng/người/năm, tương ứng 13,11 triệu đồng/người/tháng. Con số này trong quý 3/2015 là 14,33 triệu đồng/người/tháng.
(Theo VTC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét