Năm 2016 được nhiều chuyên gia dự đoán kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực, ổn định và phát triển. Vậy trong năm 2016 này, nếu có tiền, chúng ta nên đầu tư vào đâu có lợi nhất?
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen, hơn 79% người tiêu dùng Việt sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm, tỷ lệ này cao bậc nhất thế giới, cao hơn nhiều so với các nước như Singapore (64%) và Thái Lan là (60%). Như vậy, có thể nói, người Việt đã và đang dành phần lớn số tiền của mình vào tiết kiệm, thay vì đầu tư. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới vừa là điểm cộng nhưng cũng là điểm trừ cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Mua vàng, USD hay gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, bất động sản sẽ có lợi nhất năm 2016?
Gửi tiết kiệm là phương án tối ưu của đa số
Theo kết quả thăm dò trên báo Dân trí về kênh đầu tư an toàn và sinh lời nhất trong năm 2016 cho thấy, hơn 63% người tham gia khảo sát lựa chọn kênh đầu tư bất động sản, trong khi đó, đứng thứ hai là tiết kiệm với hơn 16%, kế tiếp là vàng với 9%. Kênh đầu tư chứng khoán được coi là kém hấp dẫn nhất với chỉ 4% số người tham gia khảo sát lựa chọn.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tỷ lệ người Việt Nam tiết kiệm hơn so với người Singapore chứng minh người dân Việt vẫn có thói quen cất trữ tiền mặt hơn là khởi sự kinh doanh. Tỷ lệ tiết kiệm cao đồng nghĩa với tỷ lệ tiêu dùng ở mức thấp, khiến sản xuất và tiêu thụ trong nước chậm.
Bà Lan khẳng định, nếu đem tỷ lệ này so sánh với tỷ lệ tiết kiệm thấp kỷ lục ở quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới như Israel thì con số tiết kiệm không được xem là thành công của Việt Nam, nó cho thấy: người dân vẫn tích trữ vì sợ hãi các cú sốc kinh tế thay vì bỏ tiền khởi nghiệp, làm ăn.
Hiện người có tiền tại Việt Nam vẫn chủ yếu nhắm vào các kênh đầu tư như: gửi tiết kiệm, mua vàng, USD, chứng khoán và bất động sản. Có lượng tiền trong tay, rất nhiều người phải tính toán rất kỹ từ: hệ số rủi ro, tỷ suất lợi nhuận, bảo toàn vốn và tính thanh khoản…
Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2015, rất nhiều người có tiền nghiêng hẳn về tiêu chí: bảo toàn vốn và đây là tiêu chí được xem trọng hàng đầu.
Chị Phạm Quyết Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) sau một năm đầu tư vào thị trường chứng khoán nhưng bất thành, chị Tâm bán số cổ phiếu nắm giữ bấy lâu để lấy hơn 3 tỷ đồng để tiết kiệm. Theo chị: “Gửi tiền tiết kiệm Việt Nam đồng hiện đang có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với nhiều kênh khác như gửi USD, đầu tư vàng hay chứng khoán. Mặc dù lãi suất hiện nay khá thấp song ổn định, đặc biệt tiêu chí bảo toàn vốn, tính thanh khoản nhanh là điều mà tôi cân nhắc lựa chọn”.
Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng đang phổ biến ở mức 6 - 6,5%. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn huy động các kỳ hạn dài trên 13 tháng đến 18 tháng trên 7%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi bằng đồng USD về 0%, giá vàng thì liên tục xuống giá… Do đó, với đa số người dân thì tiết kiệm vẫn được coi là kênh đầu tư có lợi nhất hiện nay.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia Kinh tế Huỳnh Thế Du, Trường Kinh Doanh Fulbright cũng cho rằng: “Trong kinh tế học, rủi ro lớn thì lợi nhuận cao. Gửi tiết kiệm rủi ro thấp nên sinh lời cũng thấp, còn các kênh khác như cổ phiếu, bất động sản mức sinh lời cao hơn song rủi ro cũng cao hơn. Rủi ro và lợi nhuận của dòng tiền phụ thuộc khá lớn vào kênh đầu tư cũng như sự hiểu biết về đầu tư của mỗi người”.
Nếu có khiếu, hãy kinh doanh!
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đầu tư vàng và USD hiện có lợi nhuận bằng 0 bởi chính sách hạn chế găm giữ ngoại tệ của NHNN và không khuyến khích người dân tích trữ vàng. Trong khi đó, gửi tiết kiệm là phương án tốt nhất để những người có tiền nhưng không muốn gặp rủi ro lớn.
“Người Việt ưa tính ổn định, sợ rủi ro, điều đó dẫn đến tâm lý người dân thích tích trữ tiền dưới gối, trong két hay gửi tiết kiệm. Năm 2015, kênh đầu tư vàng, USD coi như thất bát với nhiều người, còn gửi tiền vào ngân hàng, lúc này được xem là giải pháp an toàn, tốt cho những người không khởi sự kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Một kênh đầu tư khác được nhiều người quan tâm trong năm 2015 là bất động sản (BĐS). Năm 2015, BĐS thực sự hồi phục mạnh mẽ, lượng cung và cầu căn hộ ở mọi phân khúc đều tăng. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, báo cáo của Bộ Xây Dựng cho biết, năm 2015 có hơn 16.000 căn hộ được chào bán, số căn giao dịch thành công đã là 21.000 căn hộ. Lượng giao dịch đã vượt mức nguồn cung, điều này cho thấy sức mua của thị trường tăng mạnh và các dự án cũ đang bừng tỉnh mạnh mẽ.
Ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho hay: “BĐS là một trong những phong vũ biểu của nền kinh tế, nhìn vào đây người ta có thể thấy sức mua tiềm tàng và lợi nhuận của thị trường đang hấp dẫn. Năm 2016 trở đi Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chính sách có lợi cho BĐS như: Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Nhà ở mới năm 2014 và cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam…., đây là những tín hiệu tốt cho giới đầu tư”.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, năm 2016 dù kinh tế vĩ mô được nhìn nhận có nhiều chuyển biến tích cực, song lời khuyên lớn nhất là với những người có khiếu kinh doanh, hãy bỏ tiền khỏi gối, két để đầu tư. Còn đối với những người không ưu mạo hiểm, chấp nhận rủi ro vừa phải thì hãy để dành tiết kiệm, ngân hàng sẽ mượn rồi trả lãi cho bạn.
Nguyễn Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét