Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường, nhưng Việt Nam đang mất dần nội lực chính là lý do khiến cho cả nền kinh tế bị chao đảo
Cũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh khi bày tỏ nỗi đau xót khi Việt Nam vẫn tự hào là xuất khẩu nhiều lao động. PGS.TS Phương Ngọc Thạch cho rằng, hình ảnh này không mấy sáng sủa, không đáng tự hào, đó là nỗi nhục nhã của một dân tộc.
Nguy cơ gây bất ổn
Theo ông, xuất khẩu lao động là một hình thức của xuất khẩu hàng hóa nói chung và là một bộ phận của kinh tế đối ngoại, trong đó hàng hóa đem xuất là con người, còn khách mua là người nước ngoài. Việt Nam coi lao dộng là hàng hóa, hàng hóa đó được xuất khẩu để đổi sức lấy tiền.
ảnh minh họa |
Nỗi nhục người ta đề cập là sức lực người lao động Việt Nam đã không được coi trọng, không được trọng dụng mà lại được sử dụng như một loại hàng hóa rẻ tiền. Nói cho dễ hiểu, người lao động Việt chỉ đi làm thuê, chấp nhận bị bóc lột thậm tệ, bị hành hung, thậm chí có nhiều trường hợp còn bị khai thác thân thể...
Ông lo ngại, khi áp lực giải quyết vấn đề việc làm đổ lên vai xuất khẩu lao động, khi đó, cũng như các loại hàng hóa khác, hàng hóa lao động Việt Nam khi xuất khẩu nhiều thì bị ép giá mua với giá rẻ. Khi áp lực giải quyết vấn đề việc làm đổ lên vai xuất khẩu lao động, người lao động Việt bị chủ nước ngoài sử dụng khai thác tối đa, hoặc bị chèn ép, bóc lột như đã nói ở trên.
Ông cho biết, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động từ năm 1980. Việt Nam đánh giá cao vai trò của xuất khẩu lao động và cho rằng nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu lao động đã góp phần cải thiện đời sống, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội. Xuất khẩu lao động được coi là một trong những ngành kinh tế mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế và xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng và mang tính chiến lược của nước ta.
Đó là định hướng chưa chính xác. Vì thế, ông không đồng tình với những bao biện cho rằng xuất khẩu lao động là do nền kinh tế chậm phát triển, không tạo được việc làm. Ông cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng, khi nền kinh tế khó khăn thì xuất khẩu lao động được xem là cứu cánh không chỉ cho các gia đình mà còn với cả một quốc gia. Xuất khẩu lao động là giải pháp giảm áp lực tới nền kinh tế và xã hội.
Lý giải cho điều này, PGS. TS Phương Ngọc Thạch cho biết, khi nền kinh tế không tạo ra việc làm mà đẩy mạnh xuất khẩu lao động sẽ có nguy cơ gây bất ổn lớn cho nền kinh tế. Ông cho biết, Việt Nam vẫn chờ đợi một nguồn kiều hồi rất lớn được chuyển về hàng năm, trong số đó có không ít của những người lao động đang đi lao động ở nhiều nước khác nhau.
Đáng tiếc, thống kê cũng cho biết đa số nguồn kiều hối đổ về lại chủ yếu chảy vào bất động sản. Việc vay vốn ngân hàng tăng tín dụng giúp giải quyết vấn đề chi phí đi xuất khẩu lao động và cứu bất động sản làm cho nguồn tiền từ ngân hàng và ngân sách đổ không đúng chỗ. Nếu tín dụng đi vào sản xuất, đầu tư công nghệ, mở rộng đầu tư thì nền kinh tế tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao nội lực cho nền kinh tế, sẽ tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, có thể nói chính sách không đúng đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, đến việc làm của người lao động, vị chuyên gia nói.
Buộc phải làm thuê
Chính vì thế, ông cho biết, ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, vấn đề phát huy nội lực được nói đến nhiều tại Việt Nam. Theo ông, trước trào lưu toàn cầu hoá ngày càng mạnh, vấn đề tăng cường và phát huy nội lực để chủ động phát triển trong ổn định là cần thiết. Nếu không nâng cao nội lực nền kinh tế, thì chắc chắn Việt Nam chỉ còn một con đường đi làm thuê cho thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét