Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Hà Nội, TP.HCM có nhiều người tự ứng cử ĐBQH nhất

 Có khoảng 50 người nộp hồ sơ tự ứng cử, nhiều nhất tại Hà Nội, TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Tại phiên họp lần thứ 3 tổ chức vào ngày 3/3, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thông qua nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Theo đó, cả nước có 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiều nhất là Hà Nội và TP.HCM, mỗi địa phương có 10 đơn vị bầu cử).
Do số lượng người ứng cử thuộc cơ cấu trung ương giới thiệu là 198 ứng cử viên nên 15 đơn vị bầu cử có hai ứng cử viên là người được Trung ương giới thiệu.
Ha Noi, TP.HCM co nhieu nguoi tu ung cu DBQH nhat
Thành phố Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Ảnh minh họa: VnExpress
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đối với người tự ứng cử, họ không phải qua giai đoạn lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác hoặc nơi làm việc. Khi hồ sơ của họ do Ủy ban bầu cử tỉnh chuyển sang Mặt trận, Mặt trận thấy có đủ điều kiện thì sẽ đưa vào danh sách hiệp thương sơ bộ, lúc đó mới đồng thời chuyển sang lấy ý kiến cử tri nơi công tác và cử tri nơi cư trú.
Diễn giải rõ, ông Pha lấy ví dụ TP.HCM có một trường hợp là luật sư tự ứng  cử thì hồ sơ của luật sư này phải nộp tại Ủy ban bầu cử TP.HCM. Nếu Ủy ban bầu cử TP.HCM thấy người này có đủ điều kiện thì chuyển sang Ủy ban MTTQ TP.HCM. Mặt trận thấy đủ điều kiện thì lập danh sách sơ bộ. Trong 3 lần hiệp thương Mặt trận thì lần 1 và lần 3 mới có biểu quyết, còn Hiệp thương lần 2 không có biểu quyết. Khi Ủy ban bầu cử giới thiệu người nào mà Mặt trận thấy có đủ điều kiện đều lập danh sách sơ bộ. Sau đó sẽ chuyển sang để lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ liên quan đến những lo ngại của người tự ứng cử về sự phân biệt đối xử có thể xảy ra trong quá trình tiến hành các bước của cuộc bầu cử, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: “Các cơ quan có trách nhiệm trong công tác bầu cử, đặc biệt là MTTQ VN, không được phân biệt đối xử, không được để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử. Bất cứ hành vi phân biệt đối xử nào đều vi phạm pháp luật.
Báo chí, cử tri, bản thân người tự ứng cử nên tham gia giám sát quá trình này để tránh xảy ra những thiếu sót, vi phạm đáng tiếc. Theo quy định của pháp luật, người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử bình đẳng như nhau trước pháp luật và trước cử tri”.
Với tư cách là người tham gia công tác bầu cử nhiều năm đồng thời là đại biểu Quốc hội, ông Pha “khuyên những người đã có ý định tự ứng cử phải xác định đây là chuyện nghiêm túc, đừng tham gia ứng cử với tâm lý để “thử xem thế nào” hoặc tham gia “để cho vui”.
Những người tự ứng cử có trình độ, có đạo đức, có uy tín cao, một lòng vì nước vì dân, được đông đảo cử tri tin yêu, tín nhiệm thì cơ hội trúng cử sẽ cao”.
Theo ông Pha, thống kê của MTTQ TP Hà Nội cho thấy, đến nay Hà Nội có hơn 10 hồ sơ tự ứng cử. Còn ông  Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc thường trực Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết đến thời điểm này Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 đã nhận được hồ sơ tự ứng cử của 24 người.
Trong đó 13 người nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và 11 người tự ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ mới. Trong số 24 người này có 4 người nộp hồ sơ hai cấp.
Minh Thái (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét