Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông là người có công lớn trong việc hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ.
Người tiên phong phổ cập chữ Quốc ngữ
Đỗ thủ khoa khóa Thông ngôn tập sự ngạch Tòa công sứ, Nguyễn Văn Vĩnh được cử làm việc ở Tòa sứ Lào Cai, Tòa sứ Hải Phòng phục vụ cho dự án xây dựng đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam. Trong thời gian làm việc tại đây, ông tích lũy thêm nhiều kiến thức, học thêm tiếng Trung và tiếng Anh.
Thông thạo ngoại ngữ, có cơ cơ hội tiếp xúc với các loại sách báo, tạp chí nước ngoài, Nguyễn Văn Vĩnh nhận thấy dân tộc An Nam không có chữ riêng của mình, mà phải dùng chữ Nôm. Ông bắt đầu nảy ra ý nghĩ phát triển chữ Quốc ngữ - loại chữ dễ học, dễ hiểu hơn nhưng thời kỳ đó mới chỉ được dùng trong phạm vi các Giáo hội. Ông bắt đầu bằng việc dịch những bài văn, bài thơ hay của Pháp ra chữ Quốc ngữ.
Từ năm 1900 đến năm 1920, ông dịch hàng loạt các tác phẩm tiến bộ của văn học Pháp ra chữ Quốc ngữ: các tác phẩm của La Fontaine, V.Hugo, A.Dumas, H.de.Balzac, Molière… Năm 1913, ông cũng là người dịch toàn bộ Truyện Kiều từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ.
Dưới thời Toàn quyền Jean Baptiste Paul Beau 1902-1908, nhờ sự giúp đỡ của Hauser, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với các bạn đồng chí hướng, lần lượt làm đơn xin thành lập Hội Trí Tri (Hà Nội), Hội Dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt đi sang Pháp du học…. Ông là người thảo điều lệ, viết đơn xin phép thành lập Trường Đông Kinh nghĩa thục, và sau đó là giáo viên dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp của trường.
Trong số rất nhiều tờ báo mà ông là người sáng lập, trở thành chủ bút hay chủ nhiệm, có tờ tuần báo Đông Dương tạp chí được đánh giá là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam dạy người dân cách làm văn bằng chữ Quốc ngữ.
Ông tổ nghề báo
Năm 1906, sau khi được tận mắt chứng kiến nền văn minh phương Tây, ông trở về nước với quyết tâm phát triển nền công nghiệp xuất bản mà đầu tiên là phát hành báo chí, qua đó truyền bá chữ Quốc ngữ. Ông xin thôi làm công chức, trở thành nhà báo tự do.
Một trong những đóng góp lớn nhất của ông là trở thành chủ bút của tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, xuất bản bằng chữ Hán, sau đó đổi tên thành Đăng Cổ Tùng Báo, in bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ.
|
Tờ L'Annam Nouveau |
Năm 1908, ông được bầu vào Hội đồng thành phố Hà Nội, và xin ra tờ Notre Journal (Nhật báo của chúng ta) xuất bản bằng tiếng Pháp. Năm 1909, ông lại xin ra tờ Notre Revue (Tạp chí của chúng ta) cũng bằng tiếng Pháp. Cùng năm đó, ông được mời vào Sài Gòn làm cố vấn cho tờ Lục tỉnh tân văn.
4 năm sau, ông trở lại Hà Nội làm chủ bút tờ tuần báo Đông Dương tạp chí – tờ báo đầu tiên quy tụ được hầu hết các nhân sĩ hàng đầu cả Nho học lẫn Tân học cùng thời. Năm 1917, ông kiêm chức chủ bút tờ Trung Bắc tân văn – tờ nhật báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Năm 1927, ông cùng E.Vayrac lập tủ sách Âu Tây tư tưởng, rồi tổ chức in và phát hành các đầu sách do ông dịch thuật.
Năm 1931, ông lập tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Tờ này đã đoạt giải thưởng Grand Prix tại Hội chợ báo chí thuộc địa tổ chức tại Paris năm 1932.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh mất vào tháng 5/1936. Tại tang lễ của ông, đông đảo giới báo chí của cả ba kỳ đã đến tiễn đưa ông với dòng chữ: “Kính viếng Ông tổ của nghề báo”.
Một nhà chính trị sắc sảo
Ông Nguyễn Lân Bình – cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời là người biên soạn bộ sách dài 9 tập “Lời người man di hiện đại” từng nhận định rằng khi nhắc tới Nguyễn Văn Vĩnh, người ta chưa thấy hoặc vô tình bỏ qua khía cạnh chính trị.
“Nguyện bước đi trên con đường văn hóa, nhưng cụ đã vô tình, hoặc hữu ý trở thành một nhà chính trị với nhãn quan xã hội và chính trị sắc bén.
Cụ phản bác chủ trương quân chủ lập hiến. Bởi đó khác nào một bộ máy trung gian, tròng thêm một cái ách nữa vào cổ người dân. Coi thường triều đình nhà Nguyễn, đả phá chính sách cai trị của Pháp, cụ quyết liệt thể hiện chủ ý của mình qua những bài báo, chính vì thế nhà cầm quyền “Không chịu nổi Nguyễn Văn Vĩnh nên mới nghĩ ra những chiêu trò tiêu diệt Nguyễn Văn Vĩnh” (Nhà văn Vũ Bằng)”.
Ông cho rằng mâu thuẫn giữa cụ Nguyễn Văn Vĩnh và người bạn thân Phạm Quỳnh cũng bắt nguồn từ chính trị, khi cụ Quỳnh, dưới sức ép của nhiều thế lực, đã phối hợp với nhà cầm quyền ủng hộ chế độ quân chủ.
“Chính vì sự kiện này nên cụ Vĩnh lập tờ Nước Nam Mới (L’An Nam Nouveau), như một lời trách bạn, đồng thời khẳng định hình thái xã hội lý tưởng phải là: Một xã hội cộng hòa, trong đó, luật pháp, quyền dân chủ và bình đẳng được tôn trọng”.