Biển số xanh là công an… cấp tạm
Báo đã thông tin về chiếc xe ô tô Lexus 570 gắn biển kiểm soát xe công 95A-0699 được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Hôm nay, 1/6, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã khẳng định chiếc ô tô Lexus 570 nói trên là phương tiện đi lại của ông Thanh.
Ông Thanh nguyên là Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng thuộc Bộ Công thương và từ tháng 5.2015 được luân chuyển về Hậu Giang và được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Chiếc ô tô ông Thanh đang đi.
|
Tuy nhiên, do nhu cầu công tác các tỉnh thường xuyên, để thuận tiện phục vụ công vụ nên sau khi xin ý kiến của Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đã đề đạt với phía công an tỉnh để tạm gắn biển số xanh 95A-0699 cho xe nói trên.
Chiều 31.5, đại tá Phan Hoàng Lắm, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang, nói rằng do chưa nắm toàn bộ sự việc công an tỉnh cấp biển số xanh tạm cho xe Lexus 570 nên không khẳng định rõ việc cấp tạm như vậy là đúng hay sai.
Trong khi đó, 1 lãnh đạo PC67, Công an tỉnh Hậu Giang, khẳng định biển kiểm soát 95A-0699 là do công an cấp và cấp cho chiếc Lexus 570 mà ông Thanh mượn của bạn để làm phương tiện đi lại. “Quá trình công tác phải di chuyển nhiều nơi, nhất là các chuyến công tác xa, ngoài tỉnh nên sau khi có ý kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu thì phía công an đã cấp biển nghiệp vụ của ngành”, vị lãnh đạo này cho biết.
Ông Phó chủ tịch tỉnh nói gì?
Ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói: “Khi tôi về Hậu Giang, được bầu làm Phó chủ tịch thì có tiêu chuẩn xe công vụ, nhưng tỉnh chưa mua xe nên phải mượn xe đi tạm. Vì là Phó chủ tịch nên công an tỉnh cấp tạm 1 biển số để đi làm việc trong địa bàn tỉnh”.
Ông Thanh nói thêm: “Làm lãnh đạo bỏ tiền ra đi xe riêng, nhà nước đỡ phải tốn tiền mua xe, có phải là sai phạm gì đâu?”. Theo ông Thanh, do tỉnh chưa có tiền mua xe, điều kiện khó khăn, ông mượn xe đi là đỡ tiền cho nhà nước, đỡ tiền cho tỉnh và khi đề đạt ý kiến, lãnh đạo tỉnh ủng hộ rất cao.
Giấy chứng nhân xe Lexus mang biển số khác |
Được biết, xe của ông Thanh đi do Nguyễn Đặng Toàn, số CMND 011786627, ngụ 50, Lương Ngọc Quyến, TP.Hà Nội đứng tên chủ quyền xe và biển số thực mà Công an Hà Nội cấp là 29A-790.93.
Qua xác minh, ông Toàn là nhân viên ngành dầu khí, từng dưới quyền của ông Thanh khi ông này công tác trong ngành.
Trả lời câu hỏi về việc xe cá nhân mà gắn biển số xanh thì có phù hợp không, ông Thanh nói: “Phù hợp chứ! Công an cấp biển tạm để tôi đi công việc trong thời gian đảm nhận công tác ở địa phương, khi không còn công tác ở địa phương thì sẽ trả lại cho công an tỉnh. Việc này không có gì sai cả. Như ngay quy định biển xanh và biển trắng, tôi thấy không hợp lý. Cần gì phân biệt? Biển gì thì biển, xe đấy là xe hợp pháp là được”.
Không có quy định cấp biển số tạm cả năm
Ông Thanh cho rằng việc cấp tạm biển xanh từ năm trước cho mình là không có gì sai. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quy định về cấp biển số xe ô tô (loại trừ phương tiện phục vụ mục đích an ninh quốc phòng) được thực hiện theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe do Bộ Công an ban hành ngày 4.4.2014, có hiệu lực từ ngày 1.6.2014 thì: với các cá nhân, tổ chức không nằm trong danh mục thuộc các cơ quan, tổ chức được quy định tại điểm a, khoản 6, điều 31 của thông tư thì không được phép cấp biển số xanh. Do đó, việc cơ quan, tổ chức nào cấp biển số xanh cho các xe nằm ngoài danh mục được quy định là hành vi vi phạm pháp luật.
Điểm a, khoản 6, điều 31 của thông tư ghi rõ: Biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe của các cơ quan của Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các Ban chỉ đạo Trung ương; Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập; Ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước.
Biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng có ký hiệu “CD” cấp cho xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân sử dụng vào mục đích an ninh.
Như vậy, không hề có quy định nào đề cập đến chuyện cấp biển số xanh cho xe cá nhân, dù cá nhân đó là ai. Còn theo quy định về các loại xe phải cấp biển số tạm thời được nêu tại điều 16 của thông tư này, chỉ có các loại xe dưới đây mới được cấp biển số tạm:
1. Xe ô tô; ô tô sát xi có buồng lái; ô tô tải không thùng; rơmoóc, sơmi rơmoóc; xe máy kéo nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác.
2. Xe mang biển số nước ngoài được cấp có thẩm quyền cho phép tạm nhập, tái xuất có thời hạn (trừ xe hoạt động ở khu vực biên giới có cửa khẩu): xe dự hội nghị, hội chợ, thể dục thể thao, triển lãm, du lịch; xe quá cảnh; xe ô tô có tay lái bên phải (tay lái nghịch) được phép tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.
3. Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng.
4. Xe ô tô có phiếu sang tên, di chuyển đi địa phương khác.
5. Xe ô tô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam.
6. Xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào Việt Nam để phục vụ hội nghị, hội chợ, thể dục thể thao, triển lãm.
7. Xe ô tô sát hạch, ô tô hoạt động trong phạm vi hạn chế (khi di chuyển ra ngoài khu vực hạn chế).
Biển số tạm cũng chỉ được in trên giấy có thời hạn sử dụng trong 15 ngày và chỉ được lưu thông tại các tuyến đường đã ghi trong giấy đăng ký tạm thời.
(Theo Một Thế Giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét